.

Không chạy chọt, chung chi!

Ở Đà Nẵng, cán bộ nếu phấn đấu làm tốt thì có cơ hội thăng tiến. Không phải lo chạy chọt, chung chi mà phải lo làm cho tốt nhiệm vụ của mình!

Ý kiến đó tại buổi gặp gỡ, nói chuyện của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh với hơn 4.500 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp vào ngày 24-2 vừa qua đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Bởi, trên thực tế cũng như trong đánh giá về công tác cán bộ ở các cấp, từ Trung ương đến cơ sở, những điểm yếu trong công tác cán bộ cũng đã đề cập đến vấn đề này. Mới đây nhất, Đại hội XI của Đảng cũng đã nhìn nhận thẳng thắn rằng: Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, huân chương chưa được ngăn chặn, đẩy lùi...

Chính việc chạy chức, chạy quyền là “cái nôi” để sản sinh ra tất cả những tệ nạn, những vấn đề yếu kém trong đội ngũ cán bộ. Và, như một lẽ dĩ nhiên, nếu cán bộ đã “chạy” cho cấp trên, thì cũng sẽ “tạo điều kiện” tối đa cho một bộ phận cán bộ cấp dưới “chạy” với mình, trở thành một cuộc đua marathon trong lĩnh vực này!

Vấn đề là từ đâu nảy sinh ra tệ nạn này?

Văn kiện Đại hội XI của Đảng, cũng như Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng đã chỉ ra căn nguyên của nó. Đó chính là do việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm. Công tác cán bộ thiếu tầm nhìn xa. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ, chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém...

Nói như Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, đó là do chúng ta vẫn còn nhiều cách làm ngược đời. Vì thế, đồng chí đề nghị những người làm công tác cán bộ: “Nhớ là phải đi tìm cán bộ, chứ không phải chờ cán bộ chạy đến tìm mình!”.

Trên thực tế, thời gian qua, Đà Nẵng cũng đã có những chủ trương, chính sách nhằm “đi tìm cán bộ” cho hệ thống chính trị ở các cấp. Việc đưa ra chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là cách đi tìm cán bộ trong đội ngũ những người tài. Chủ trương thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cũng là cách để trong “bó đũa chọn cột cờ”. Đề án 89 “Đào tạo nguồn chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND xã, phường trên địa bàn thành phố”, với cách làm để cho người giỏi hơn chọn nhiệm sở trước là cách những người có trách nhiệm đi tìm cán bộ có năng lực... Từ  những nỗ lực, cố gắng đó của cơ quan chức năng, việc đổi mới công tác cán bộ của Đà Nẵng đã có những chuyển biến bước đầu đáng ghi nhận, thể hiện rõ qua những bước chuyển tích cực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong cải cách hành chính... của thành phố.
Tuy nhiên, trong quá trình đó, việc thực hiện không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Nhiều lúc, nhiều nơi, người tài vẫn không được trọng dụng và phát huy năng lực của mình; không chỉ do môi trường công tác, mà còn do trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị...

Thực tiễn cho thấy, phải xây dựng được đội ngũ những người đứng đầu thực sự có tâm, có tầm mới là vấn đề quan trọng.

Bởi, người đứng đầu, nhất là đứng đầu cấp ủy, chính quyền... đóng vai trò quyết định trong việc sử dụng người tài khi thực hiện các quy trình của công tác cán bộ. Người đứng đầu có tài, có tâm thì mới nhìn ra những cán bộ có tài, có tâm; mới đủ sức dùng người, kể cả những người “mình không ưa thích nhưng giỏi thật sự” - theo cách nói của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh; mới phát huy những ưu điểm của cán bộ; mới làm việc trên tinh thần vì đại cuộc chung...

Một cách cụ thể, nếu người đứng đầu không chạy chọt, chung chi... thì mới đủ sáng suốt, công tâm tìm cho mình những người tài giỏi thật sự.

Khi đó, thì mới xem là thành công trong công tác cán bộ nói riêng, trong sự phát triển của thành phố và đất nước nói chung!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.