Chỉ trong mười ngày (từ 10 đến 20-2-2012) đã có 2 tổ chức, công ty tài trợ cho những nghiên cứu, bài viết về Biển Đông – Hoàng Sa - Trường Sa (BĐ-HS-TS). Quỹ Nghiên cứu Biển Đông thông báo rằng sẽ thưởng cho những bài viết hay về BĐ-HS-TS từ 20USD đến 150 USD. Tiếp đó, ông Văn Công Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền hình Cáp Sông Thu, Đà Nẵng công bố với báo chí rằng công ty sẽ tài trợ cho các nghiên cứu về BĐ-HS-TS, ít nhất mỗi công trình là 1.000 USD.
Trước hết, không nên và không thể bàn về mức độ tài chính cụ thể của một giải thưởng bởi cái ý nghĩa, cái vô bờ bến của tình cảm tự trái tim người là điều chẳng thể nào đong đếm được. Điều đáng trân trọng ở đây là Quỹ Nghiên cứu Biển Đông hay Công ty CP Truyền hình cáp Sông Thu là những cơ quan – đơn vị “nghe được”, hiểu rõ và biết đủ ý nguyện của lòng dân về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: Cả dân tộc đồng tâm, đồng ý, đồng chí huyết và quyết tâm để bảo vệ sự toàn vẹn của xã tắc, sơn hà, trước những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của đất nước. Hai cơ quan, đơn vị công bố tài trợ - giải thưởng, có thể là những người đi trước có điều kiện hơn, hiểu sớm hơn những nhu cầu bức thiết của xã hội trong việc xác định, khẳng định một cách kiên quyết chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Biển Đông, với Hoàng Sa và Trường Sa máu thịt, thân yêu...
Những nghiên cứu sâu sắc về BĐ-HS-TS là cơ sở pháp lý, lịch sử mà không một tài liệu nào có thể thay thế nổi khi những tranh chấp song phương hay đa phương trước công pháp quốc tế. Quan hệ bang giao hàng ngàn năm qua, mỗi người Việt Nam đều biết và hiểu rất rõ rằng chủ quyền của mọi quốc gia bị tranh chấp là do các yếu tố dằng dai – không rõ ràng trong lịch sử. Chứng minh một cách thuyết phục chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, phần lớn Biển Đông nói chung, là một nhiệm vụ không dễ dàng, bởi nó luôn bị xuyên tạc và áp chế bởi các mưu cầu lợi ích khác nhau. Trong cuộc đấu tranh vì chủ quyền hết sức gay go, phức tạp, Việt Nam cần nhiều tư liệu, công trình nghiên cứu chứng minh chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa; quyền cùng chung mục tiêu và chia sẻ lợi ích Biển Đông trước dư luận của nhiều nước trên thế giới.
Đà Nẵng có vinh dự (với trách nhiệm rất nặng nề) là thành phố có huyện đảo Hoàng Sa. Vị thế “đầu sóng ngọn gió”, là “tiền đồn” của sự nghiệp bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã làm cho Đà Nẵng có vai trò đặc biệt trong cuộc đấu tranh gian khó, lâu dài giành lại quần đảo Hoàng Sa. Trong những năm qua, người dân Đà Nẵng luôn đi đầu và thực thi một cách xuất sắc trong nhiệm vụ cụ thể hoá nhiệm vụ chung mà dân tộc giao phó. Con đường Hoàng Sa - Trường Sa chạy dọc biển Mỹ Khê là một trong những đường phố dài và đẹp nhất nước. Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng không ngừng tiếp sức mạnh mẽ cho BĐ – HS – TS thông qua những công tác thiết thực như mua bảo hiểm cho ngư dân đánh bắt xa bờ, trang bị hệ thống truyền tin hiện đại cho những tàu cá có công suất lớn… . Sự tài trợ của Công ty CP Truyền hình cáp Sông Thu đối với việc nghiên cứu về BĐ HS TS chắc chắn sẽ càng làm cho người dân cả nước hiểu rõ hơn về tấm lòng của triệu người dân Đà Nẵng...
Một giải thưởng hay một sự tài trợ lớn đối với một nhiệm vụ, yêu cầu càng khó khăn, phức tạp bao nhiêu càng nhiều ý nghĩa bấy nhiêu. Nhất là, trong bối cảnh của sự khó khăn về kinh tế của cả nước nói riêng, toàn thế giới nói chung, thì những việc làm đầy nghĩa cử và trách nhiệm của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông hay Công ty CP Truyền hình cáp Sông Thu thực sự là những nét son rực rỡ rất đáng trân trọng, tự hào...
HÀ VĂN THỊNH