Bình ổn giá trong dịp diễn ra cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC 2012) tiếp tục là điểm nóng trên nhiều trang tin cũng như trong dư luận. Đà Nẵng đã có nhiều động thái rất tích cực nhằm thực hiện bình ổn và kiểm soát giá cả như lập các đội thanh tra liên ngành kiểm tra về các dịch vụ khách sạn, vận tải, trông giữ xe… Trước đó, các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại và du lịch đã hướng dẫn các đơn vị kinh doanh niêm yết, công bố giá, nhằm bảo đảm một cơ chế giá công khai, hợp lý cho tất cả các du khách đến Đà Nẵng trong dịp DIFC 2012.
Tuy nhiên, nhiều hãng lữ hành cho hay, giá phòng đã được nâng lên từ lâu, trước Tết cả… tháng; và khi thanh tra đến, dĩ nhiên các khách sạn chẳng dại gì thông báo giá thực mà họ bán cho khách lẻ tự liên hệ đặt phòng. Ngoài ra, một số khách sạn có thể chấp nhận chịu phạt về hành vi nâng giá bất hợp lý, chỉ vì lợi nhuận mà họ có được từ hoạt động kinh doanh trong dịp này cao hơn nhiều lần so với số tiền bị phạt. Không gì vô lý bằng khi giá của một khách sạn chưa xếp hạng hoặc một nhà nghỉ có khả năng vượt qua giá phòng khách sạn cao cấp 4-5 sao với chất lượng đã được thẩm định. Năm ngoái, một khách sạn tầm trung đã gây khó cho một đơn vị lữ hành bằng cách chỉ ghi ngày, tháng mà không ghi năm trên hợp đồng thuê phòng, để rồi sau đó buộc hãng lữ hành phải thêm tiền mới chịu cho đưa khách vào. Tại một số khách sạn, do khách đi tour xem pháo hoa xong mới về nhận phòng nên các khách sạn đã tự động bán phòng cho khách lẻ với giá cao, để nhiều đoàn du khách phải rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. Những kiểu làm ăn như vậy không những làm cho du khách hãi hùng, mà còn khiến các hãng lữ hành - những người góp phần chủ yếu trong việc đưa lượng lớn du khách đến thành phố - cảm thấy chùn tay và ngán ngẩm.
Tại một cuộc họp về bình ổn giá do Sở VH-TT&DL chủ trì ngày 27-2, có doanh nghiệp du lịch cho rằng, họ chỉ làm ăn được mỗi mùa hè nên phải tranh thủ nâng giá, bù lỗ vào thời gian mùa đông vắng khách. Điều đó nghe có vẻ hợp lý, nhưng suy cho cùng, hạch toán lời - lỗ là việc của người kinh doanh, và họ không thể vin vào việc bảo đảm quyền lợi cho mình mà bắt khách hàng phải chịu thua thiệt vô lý. Chính cơ sở phải tự coi lại năng lực kinh doanh, khi không thể duy trì được lượng khách cố định bằng các chiến lược quảng bá, tiếp thị, xúc tiến hiệu quả của mình.
Không có cách nào khác, chỉ khi thanh tra tự đóng vai là thường dân trực tiếp đến thuê phòng thì mới có nhiều khả năng “bắt tận tay, day tận mặt” những trường hợp thừa thời cơ “chặt chém” du khách. Còn đợi đến phản ánh của người dân, kiểm tra hợp đồng giữa người mua và người bán…, có lẽ con số xử phạt sẽ ít hơn nhiều so với số vi phạm.
HẰNG VANG