Dịch cúm gia cầm đã phát sinh tại 28 xã, phường, thuộc 21 quận, huyện của 11 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền, với gần 35.000 con gia cầm nhiễm bệnh, chết, tiêu hủy. Tình hình đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Với việc 2 bệnh nhân cúm A/H5N1 ở Kiên Giang và Sóc Trăng tử vong, số người chết do dịch này nâng lên 61 người kể từ năm 2003 đến nay.
Hiện tại, Đà Nẵng đang an toàn về dịch cúm gia cầm. Tuy vậy, không ai dám chắc dịch sẽ không xảy ra trong thời gian tới, khi dịch đã bùng phát tại tỉnh Quảng Nam mấy ngày nay và ngày nào thị trường Đà Nẵng cũng tiếp nhận hàng nghìn con gia cầm từ các địa phương khác. Như vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là các cấp chính quyền, các ngành cần huy động mọi nguồn lực phòng chống với quyết tâm cao nhất.
UBND thành phố đã có Công điện yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan và UBND các quận, huyện triển khai quyết liệt những biện pháp phòng chống. Sự chỉ đạo kịp thời này thể hiện quyết tâm rất lớn của chính quyền thành phố trong việc ngăn chặn không để dịch cúm gia cầm phát sinh. Theo đó, Chi cục Thú y và các địa phương đã triển khai giải pháp theo châm phòng dịch từ xa với quyết tâm rất cao.
Vẫn là những biện pháp từng triển khai trong các đợt chống dịch trước đây, bao gồm kiểm tra, kiểm soát, không để gia cầm ở vùng dịch vận chuyển vào thành phố; tăng cường kiểm soát dịch bệnh; chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia cầm; triển khai vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên diện rộng… Song, yêu cầu đặt ra lần này là phải chủ động, quyết liệt và triệt để hơn. Trong các đợt dịch trước, phương châm phòng chống dịch từ xa đều không thành, bởi chỉ ít ngày sau khi bùng phát tại Quảng Nam, dịch cúm A/H5N1 xảy ra ở Đà Nẵng, gây tổn thất không nhỏ cho hoạt động chăn nuôi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Vì vậy, khi dịch chưa phát sinh, việc kiểm soát gia cầm từ Quảng Nam vận chuyển vào Đà Nẵng phải đặt lên hàng đầu. Ngành thú y và chính quyền các địa phương cũng cần mở đợt tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao trách nhiệm phòng chống dịch, đặc biệt là những người kinh doanh, buôn bán gia cầm. Đồng thời, việc kiểm soát dịch bệnh phải được triển khai đến nơi đến chốn. Nếu dịch phát sinh thì tuyệt đối không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi.
Nhiều năm nay, dịch cúm gia cầm tạm lắng, từ đó nảy sinh tâm lý chủ quan trong công tác chống dịch. Hơn ai hết, cơ quan thú y, ngoài việc huy động mọi nguồn lực ngăn dịch từ xa, phải làm cho mọi người nhận thức sâu sắc về sự nguy hiểm của dịch bệnh này. Rút kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, khi phát sinh và lây lan diện rộng thì mới huy động mọi nguồn lực dập dịch, theo kiểu nước đến chân mới nhảy. Với đợt này, dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động triển khai quyết liệt phòng chống của cơ quan thú y, các cơ quan liên quan, chính quyền các địa phương, các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi và cả cộng đồng.
NGUYỄN CẦU