Từ khi Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam ra đời với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành phố Đà Nẵng đã giữ vị trí á quân 3 năm liền: 2005-2007. Nhờ tiếp tục nỗ lực cải thiện công tác điều hành kinh tế, điểm số PCI của Đà Nẵng đã tăng lên, chiếm vị trí quán quân 3 năm liền: 2008-2010. Điều này có làm cho các nhà quản lý, điều hành kinh tế của Đà Nẵng bằng lòng, tự mãn? Sẽ còn nhiều điều cần rà soát và nghiêm túc nhìn nhận vì sự tụt hạng khá dài xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 cho thấy môi trường kinh doanh của Đà Nẵng đang bị suy giảm ở một số tiêu chí cụ thể theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp.
PCI 2011 của Đà Nẵng với 66,98 điểm, trong đó 2 chỉ số làm PCI xuống điểm nhiều nhất là Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (3,72 điểm) và Đào tạo lao động (5,69 điểm). Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đã được thay thế cho chỉ số Chính sách phát triển kinh tế tư nhân trước đây. Để xác lập điểm cho chỉ số này, khảo sát đã đưa ra các chỉ tiêu đánh giá khả năng doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ từ các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân liên quan đến công nghệ, tư vấn thông tin pháp luật, xúc tiến thương mại và tìm kiếm đối tác kinh doanh. Suy ngẫm từ con số quá thấp 3,72 điểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho rằng, các chỉ tiêu đánh giá chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp năm 2011 đều mới và thị trường Đà Nẵng hiện nay chưa phát triển nhiều dịch vụ tư nhân liên quan đến các lĩnh vực này, mà chủ yếu là sự hỗ trợ, tư vấn từ các cơ quan Nhà nước. Ngược lại, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô “doanh nghiệp gia đình” nên thực lực và trình độ nhận thức còn kém, không tạo cơ hội để các loại hình dịch vụ tư vấn phát triển như thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với chỉ số Đào tạo lao động nhận được phản hồi đánh giá thấp từ các doanh nghiệp cũng được xem là điều khá dễ hiểu. Đà Nẵng đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên đào tạo lao động cũng được ưu tiên chuyển dần sang các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp với chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, lực lượng lao động phổ thông từ các địa phương khác tập trung về Đà Nẵng trước đây giờ đã trở về làm việc cho các dự án tại chỗ mới ra đời. Điều này khiến nguồn lao động phổ thông trên địa bàn thành phố trở nên khan hiếm, nhất là lao động trong các ngành may mặc, giày da. Tại các phiên chợ việc làm, lực lượng lao động phổ thông luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Riêng lao động trong ngành du lịch cũng thiếu hụt nghiêm trọng bởi sự ra đời hàng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng, trong khi các nhà đầu tư không có kế hoạch đào tạo đặt hàng.
Dù nhìn nhận ở góc độ nào thì PCI cũng phản ánh chính xác yêu cầu ngày càng cao của các tiêu chí đánh giá tính năng động về cơ chế chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Rõ ràng Đà Nẵng đang cần một môi trường thuận lợi để phát triển các dịch vụ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và sự phát triển đó sẽ phải bắt đầu từ hoạt động đối thoại chính quyền - doanh nghiệp để có các sáng kiến, quyết định hoặc chính sách theo hướng tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội vào nền kinh tế đa dạng, năng động. Đà Nẵng cũng sẽ phải cần đến những tổ công tác tập trung vào các lĩnh vực làm tăng điểm PCI. Tuy nhiên, những động thái này đôi khi cần có thời gian mới cảm nhận được tác động và hiệu quả.
PCI 2011 đã đánh động chính quyền thành phố về tính cấp bách cải thiện môi trường kinh doanh. Trong tình trạng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do kinh tế suy thoái có khả năng kéo dài thì chính quyền không thể để doanh nghiệp “sống chết mặc bay” như đề cập của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh trong một buổi nói chuyện với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố mới đây.
THU PHƯƠNG