.

Cho Trái đất một giờ nghỉ ngơi

Cùng với cả thế giới và Việt Nam, Đà Nẵng đang hưởng ứng Giờ Trái đất theo cách riêng, mà các bạn trẻ hầu như là lực lượng đi đầu trong việc chung tay làm giảm nhiệt độ Trái đất, chống biến đổi khí hậu. Bằng các hoạt động thiết thực của mình, họ giúp nông dân hiểu rõ hơn về tiết kiệm năng lượng, kêu gọi các doanh nghiệp tăng nhiệt độ điều hòa trong mùa nóng, xây dựng các chiến dịch làm sạch môi trường, không sử dụng bao nilon và các chất làm hại môi trường. Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng nhanh chóng kết hợp hưởng ứng Giờ Trái đất với việc tăng sức thu hút du khách như diễu hành xích-lô, tắt điện, thu gom rác. Nhiều nhóm sinh viên và hộ gia đình cam kết tắt các thiết bị điện trong vòng một giờ đồng hồ vào đêm 31-3 cho “Trái đất được một giờ nghỉ ngơi”.

Tuy nhiên, Giờ Trái đất không chỉ đơn thuần là một giờ tượng trưng của đêm cuối tháng 3, mà phải là hàng loạt hành động yêu Trái đất của mỗi cá nhân trong từng giờ, từng phút sinh sống trên thế giới này. Trong khi một trong những ý nghĩa chính của Giờ Trái đất là góp phần giảm biến đổi khí hậu, thì với việc tắt điện, thắp đèn lồng, thắp đèn dầu, thắp nến, thậm chí có nơi thực hiện chương trình tặng nến cho khách hàng về thắp thay đèn điện… đã làm tăng thêm gánh nặng cho Trái đất theo một kiểu khác: bầu khí quyển hút phải quá nhiều khí CO2 từ đèn dầu, nến trong cùng một lúc với số lượng lớn; chịu lượng rác khổng lồ bao gồm những vật liệu như giấy, vải… để làm đèn, hoa đăng sau Giờ Trái đất; và dĩ nhiên, cũng không tiết kiệm được năng lượng.

Và có thể 60 phút mỗi năm là quá ít ỏi cho việc chống biến đổi khí hậu, khi người dân và các tổ chức không tự ý thức rõ ràng hành động bảo vệ môi trường từng ngày. Ở nhiều cơ quan, nhà ở, máy điều hòa, quạt vẫn thổi đều, đèn điện vẫn sáng, tivi vẫn nói oang oang… cả vào những lúc không người. Người đi chợ, đi mua hàng và người bán vẫn giữ thói quen tùy tiện dùng túi nilon không kiểm soát. Các cơ quan quản lý và công nhân vệ sinh vẫn toát mồ hôi cho nỗ lực giữ sạch bãi biển, đường phố, thôn xóm. Cây xanh vẫn bị hủy hoại, cắt xén, bẻ gãy hằng ngày trên các tuyến đường. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh dù một mặt hưởng ứng bảo vệ môi trường, nhưng mặt khác lại xả những ống khói đen sì lên bầu trời, hay tống nước thải vô tội vạ ra sông, biển mà không hề qua hệ thống xử lý.

Những buổi ra quân làm sạch môi trường có lẽ chỉ mang tính phong trào, khi mỗi năm chỉ có một vài đợt, mà rác thải ra thì hằng hà sa số mỗi ngày. Mỗi người phải tự ý thức trong mỗi hành động dù nhỏ của mình mới mong hạ nhiệt hoặc ít nhất là không làm Trái đất nóng lên nữa. Ngành GD-ĐT phải lấy việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường làm một chương trình học quan trọng, ngay khi các em còn ở tuổi măng non. Những doanh nghiệp gây lỗi lầm lớn cho môi trường mà cơ hội sửa sai gần như bằng không cần phải bị toàn xã hội kiên quyết “tẩy chay”…

“Tôi và bạn hãy cùng hành động” là thông điệp của Giờ Trái đất 2012, cho một Trái đất đẹp và xanh hơn trong 365 ngày mỗi năm.

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.