.

Đột phá Năm An toàn giao thông

Những ngày qua, không chỉ ở Đà Nẵng mà hầu hết dư luận cả nước đều quan tâm đến cách làm tiên phong của lãnh đạo Đà Nẵng, thể hiện quyết tâm thực hiện Năm An toàn giao thông 2012 và quan trọng hơn là góp phần xây dựng một thành phố đáng sống.

Các giải pháp mà lãnh đạo thành phố đưa ra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận, như việc trợ cấp 5 triệu đồng/tháng cho lực lượng CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường, 2 triệu đồng/tháng cho thanh tra giao thông; “tuyên chiến” với mũ bảo hiểm kém chất lượng và khuyến khích người dân mua mũ bảo hiểm chỉ với giá 50.000 đồng của Ban An toàn giao thông; nâng cấp xe cho lực lượng chức năng để phòng chống hiệu quả việc đua xe, cướp giật. Từ đó có thể thấy rằng, xuyên suốt tư duy chỉ đạo, điều hành, quản lý về an toàn giao thông của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thể hiện 2 quan điểm rõ rệt: mềm mỏng và nhân văn nhưng vô cùng quyết liệt.

Báo Tuổi Trẻ ngày 21-3-2012 cho biết, Đại tá Nguyễn Văn Tuyên,  Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt Bộ Công an cũng ủng hộ cách làm của Đà Nẵng. Đây là tín hiệu vui bởi một trong những giải pháp mới, đột phá của Đà Nẵng bước đầu được các nhà quản lý vĩ mô đồng tình.

Vấn đề đặt ra là những giải pháp trên cần được thực hiện nghiêm túc, triệt để thì mới phát huy được ý nghĩa của một chủ trương đúng đắn. Theo đó, đời sống của lực lượng CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường sẽ được cải thiện, nạn mãi lộ sẽ không còn nữa, trên những cung đường ngoài sự bình yên còn có sự trong sáng, nhiệt huyết, tận tâm với công việc của đội ngũ CSGT. Song, cũng có những ý kiến quan ngại về những “vết đen” trong lực lượng CSGT như các phương tiện truyền thông phản ánh trong thời gian qua có thật sự xóa bỏ được hay không. Tuy Đà Nẵng chưa phát hiện vụ việc “chung chi” nào của CSGT gây bức xúc như một số vụ ở những tỉnh, thành phố khác, nhưng người dân vẫn kỳ vọng, khi ký cam kết nói “không” với mãi lộ, lực lượng CSGT của thành phố sẽ xứng đáng với màu áo của người chiến sĩ Công an “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, giữ bình yên trên những cung đường.     
Tại kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII vào tháng 12 năm ngoái, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã đề cập đến việc mạnh tay với vi phạm giao thông; yêu cầu ngành Công an tìm kiếm và sớm triển khai thiết bị đo nồng độ cồn; yêu cầu Sở Khoa học - Công nghệ tìm mua thiết bị kiểm tra mũ bảo hiểm kém chất lượng. Sau gần 3 tháng kể từ kỳ họp, lãnh đạo thành phố đã chứng minh việc nói đi đôi với làm và sự quyết tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Từ lâu, xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn là vấn đề luẩn quẩn, gây nhiều khó khăn, lúng túng cho cơ quan chức năng. Nay thành phố hỗ trợ xây dựng nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm tại địa phương, bảo đảm chất lượng với giá thấp nhất. Theo đó, Công ty TNHH sản xuất - thương mại Nhựa Chí Thành Việt Nam đã được thuê 5.000m2 đất tại KCN Hòa Khánh, đồng thời được vay 8 tỷ đồng với lãi suất 0% và hoàn trả vốn cho thành phố trong 2 năm. Nhà máy đã khởi công xây dựng vào ngày 21-3, dự kiến hoạt động vào ngày 21-7. Lý do chính là cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện nay, trong đó có Đà Nẵng, chưa có nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm và phải “nhập” mũ bảo hiểm từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, chưa hẳn việc “nhập” mũ bảo hiểm từ 2 đầu đất nước hoàn toàn tránh được nguy cơ gặp mũ bảo hiểm giả.

Hàng loạt chủ trương mới để xây dựng môi trường sống tại Đà Nẵng ngày càng tốt hơn đang mang lại cho cán bộ, người dân thành phố niềm tin khi cống hiến và thừa hưởng mọi thành quả lao động của chính mình. Đà Nẵng luôn kỳ vọng, mỗi du khách khi đến thành phố vốn hội tụ đầy đủ sông, núi, biển, đều có cảm giác bình yên của một nơi đáng sống.

THU PHƯƠNG - TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.