Hai chỉ số nói trên là biểu hiện của 2 động thái ngược chiều nhau trong việc điều hành lãi suất và giá xăng dầu. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tất cả các loại lãi suất sẽ đồng loạt giảm 1% trong vài ngày đến. Trong khi đó, chiều 7-3, giá xăng đã được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng lên 10%, tương đương 2.100 đồng/lít so với đầu năm. Cũng cần nói thêm, từ đầu năm đến nay, người tiêu dùng cũng phải gánh chịu một đợt tăng giá gas rất cao, lên đến 20%, tương đương 120.000 đồng/bình.
Nếu xét về chỉ số giá tiêu dùng, đến tháng 2-2012, CPI tăng 2,38% so với tháng 12-2011 và tăng 16,44% so với cùng kỳ năm 2011. Nhìn chung, áp lực lạm phát cao vẫn là thách thức lớn nhất đối với nỗ lực kiềm chế giá cả, góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ. Trong bối cảnh đó, việc giảm lãi suất chỉ đạo xuống 1% có thể được đánh giá là động thái tích cực nhưng vẫn phản ánh sự cân nhắc cẩn trọng của cơ quan điều hành về xu hướng khó dự đoán của lạm phát trong thời gian đến. Ý nghĩa của thông điệp này chính là không nên chủ quan trước diễn biến tình hình vẫn còn nhiều ẩn số phức tạp, đồng thời cũng không nên chờ đợi và xem việc giảm lãi suất như “liều thuốc vạn năng”. Việc tăng giá xăng dầu có thể là chẳng đặng đừng. Và như dự báo, lần lượt các “mặt hàng chiến lược” khác cũng sẽ tiếp tục tăng giá theo như điện, than, xi-măng... Tuy nhiên, như dư luận từng trăn trở và phê phán, “lỗi điều hành” trong lĩnh vực xăng dầu, gas nói riêng, các lĩnh vực độc quyền khác nói chung như: cơ chế thiếu minh bạch, kỷ cương lỏng lẻo, sự thao túng của thế lực nhóm… chính là nguyên nhân khiến lạm phát cao có nguy cơ trở lại.
Mục tiêu kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm xem ra vẫn còn quá nhiều việc cần phải bàn và đối phó. Mục tiêu này có trở thành hiện thực hay không ảnh hưởng quyết định đến nhịp độ tăng trưởng trong năm nay, đồng thời là tiền đề để triển khai bước đầu chương trình tái cấu trúc kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là liệu có nên mãi loay hoay với những giải pháp ngắn hạn, tình thế, phần nhiều bị động, hay là nên đặt mọi bài toán lên bàn để tìm ra nguyên nhân cụ thể, từ đó tiến hành đồng bộ, kiên quyết những giải pháp cải cách thể chế quản lý kinh tế mang tính dài hạn và có hiệu lực thật sự.
TÂM DÂN