Một trong 4 bài học kinh nghiệm được đưa ra trong văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010-2015 là “phải xác định rõ và tập trung đầu tư giải quyết tốt những khâu đột phá, then chốt, trọng điểm”. Nhìn lại 15 năm kể từ khi Đà Nẵng bước lên vị trí mới - đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có thể nhận ra đây là bài học xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ thành phố. Chính nhờ xác định đúng tầm quan trọng đầu tư kết cấu hạ tầng làm nền tảng để phát triển nên Đà Nẵng đang có những lợi thế vượt trội các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Một gia đình di dời, thay đổi chỗ ở vốn đã khó. Vậy mà Đà Nẵng đã sắp đặt lại chỗ ở cho gần 100.000 hộ dân để mở ra những khu dân cư mới khang trang và quan trọng hơn là phát triển hạ tầng giao thông đô thị cùng với việc mở rộng các tuyến đường, hay đầu tư mới những tuyến đường kết nối với nhau. Khi trở lại Đà Nẵng, có lẽ bất kỳ ai, dù 15 năm xa thành phố này nhưng đều cảm nhận sự thay đổi toàn diện và sâu sắc. Ngay cả người dân địa phương cũng lạc đường với quá nhiều con phố lạ. Thành quả này bắt nguồn từ tư duy đột phá hạ tầng giao thông đô thị để phát triển.
Mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử và phát triển công nghệ thông tin trở thành ngành kỹ thuật làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển đã được Đà Nẵng thực hiện. Thành phố khẳng định vị trí của mình trên bản đồ công nghệ thông tin quốc gia qua việc 6 năm liền nằm trong top 5 các địa phương dẫn đầu chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của cả nước.
Nếu như có sẵn nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng thì vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn. Nhưng Đà Nẵng đã phải bắt đầu đầu tư hạ tầng bằng nhiều kế hoạch ngắn, trung và dài hạn để có thể huy động, tranh thủ được mọi nguồn lực xã hội. Tất cả đã tạo thành một dự án đa ngành, góp phần quan trọng vào việc nâng cấp đô thị, cải thiện môi trường, xây dựng các đường giao thông chiến lược và nâng cao năng lực của các sở, ban, ngành, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng...
Suy ngẫm về xuất phát điểm lấy đầu tư kết cấu hạ tầng làm đột phá, chúng ta sẽ thấy Đà Nẵng đang có lợi thế phát triển hơn so với nhiều địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh, thành phố trong khu vực. Trước hết, Đà Nẵng sẽ ít bị ảnh hưởng làm chậm phát triển khi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về “Những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”; trong đó tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng khu vực phi sản xuất; cắt giảm đầu tư công, đặc biệt dừng khởi công các công trình dự án mới sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ chưa cấp bách. Kết cấu hạ tầng đô thị mở rộng thành phố đến nay cơ bản hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho Đà Nẵng mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trong những năm đến.
Trong giai đoạn hiện nay, Đà Nẵng hoàn toàn có đủ điều kiện để tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các ngành sản xuất, kinh doanh mà Nghị quyết 11 đang khuyến khích. Chương trình hành động triển khai một số giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng năm 2012 đang được thực hiện, bám sát các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà không phải rơi vào tình trạng quá “thắt chặt”.
Lợi thế vượt trội về kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh của Đà Nẵng so với các địa phương khác trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay càng cho thấy ý nghĩa và bài học kinh nghiệm quý báu về hoạch định chính sách đúng, đầu tư có trọng điểm. Lợi thế này đã và đang tạo nền tảng vững chắc để Đà Nẵng tiếp tục phát triển trong những năm đến.
HUỲNH NGỌC THÀNH