Lại thêm một mùa lễ hội pháo hoa để du khách có dịp đổ về thành phố Đà Nẵng thưởng ngoạn những đêm đại tiệc sắc màu. Mừng đó và lo đó. Để chuẩn bị cho bữa tiệc thịnh soạn này, cả hệ thống chính quyền Đà Nẵng đã và đang vào cuộc. Chủ tịch UBND thành phố đã có những văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh khách sạn, nhà hàng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường trong thời gian diễn ra Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế 2012, dịp lễ 30-4, 1-5 và Cuộc thi Dù bay quốc tế 2012; đồng thời phân công các sở, ban, ngành thành lập nhiều tổ kiểm tra các hoạt động kinh doanh khách sạn, dịch vụ taxi, ô-tô vận chuyển khách, dịch vụ trông giữ xe…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương đã rất cương quyết khi phát biểu: “Những đơn vị kinh doanh “chặt chém” sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí tước giấy phép kinh doanh”. Có thể nói, các ngành chức năng của Đà Nẵng đang rất quyết liệt trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Những hành vi vi phạm các quy định về bình ổn giá; không chấp hành đúng giá do cơ quan
có thẩm quyền quyết định; không đăng ký giá; kê khai giá hàng hóa, dịch vụ, niêm yết giá, tăng giá quá mức… sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý với mức phạt cao nhất theo quy định của Nhà nước như tước quyền sử dụng các loại giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh của đơn vị và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực tế, thời gian qua, đã có hàng chục khách sạn ở Đà Nẵng bị xử lý vì vi phạm giá, kinh doanh không đúng ngành nghề, biển hiệu không đúng quy định…
Những mùa lễ hội trước, để xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách về giá do các ban, ngành chưa làm tròn chức năng, đúng hơn là chưa thật “mạnh tay”. Còn nhớ, ở lễ hội pháo hoa năm ngoái, khi phóng viên phát hiện rất nhiều điểm giữ xe đường Phạm Văn Đồng thu 50.000 đồng/xe máy và việc một số khách sạn niêm yết giá USD, nhưng lực lượng quản lý thị trường vẫn chưa thể xử lý vì thiếu... chứng cứ. Hễ thấy bóng dáng của lực lượng chức năng đi kiểm tra thì hầu hết các cơ sở kinh doanh, lưu trú đều trưng bảng giá theo quy định, khi đoàn kiểm tra đi khỏi thì nâng giá…
Thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển du lịch - dịch vụ, người dân muốn ăn nên làm ra nên không lý gì lại chặt đứt nguồn nuôi sống mình. Muốn vậy, người làm du lịch phải phục vụ theo đúng nghĩa chứ không thể “chụp giật” để rồi vui lòng khách đến nhưng không vừa lòng khách đi. Song, nếu không muốn bị “chặt chém”, người dân và du khách cũng phải dũng cảm tố giác, vạch mặt cái xấu, chứ không nên thỏa hiệp cho qua chuyện, cũng đừng vì sợ lằng nhằng mà không dám phản ánh. Một vị khách nước ngoài trên đường từ Sân bay quốc tế Đà Nẵng về khách sạn Hoàng Anh - Gia Lai đã được taxi cố tình đưa đi vòng vèo. Vị khách này đến khách sạn đã cương quyết không đưa thêm tiền và cuối cùng tài xế taxi phải chấp nhận nếu không muốn bị đuổi việc.
Có lẽ, chưa năm nào chính quyền Đà Nẵng lại mạnh tay với tình trạng “chặt chém” như mùa lễ hội pháo hoa năm nay. Đã có đến 5 số điện thoại đường dây nóng, từ UBND thành phố đến Sở Công thương, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Quản lý thị trường, Công an… được công bố. Người dân Đà Nẵng kỳ vọng rằng, du khách sẽ hài lòng hơn, ấn tượng hơn với một thành phố văn minh, hiện đại bởi những chuyện “ăn xổi ở thì” được hạn chế đến mức thấp nhất.
DUYÊN ANH