Mọi người sống trên đời nói cho cùng đều là người tiêu dùng, bỏ tiền của, công sức để thỏa mãn những nhu cầu - từ những cái cơ bản nhất như ăn mặc, nghỉ ngơi, khám chữa bệnh đến xa xỉ hơn như phương tiện đi lại (xe máy, ô-tô, máy bay...).
Vì vậy, quyền của người tiêu dùng đã được quốc tế hóa, dù ở đâu trên hành tinh này cũng đòi hỏi được bảo vệ và được quy định hẳn hoi bằng các đạo luật cơ bản. Hiến pháp nước ta cũng quy định tại Điều 28: “Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bất hợp pháp, mọi hành vi phá hoại nền kinh tế quốc dân làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nhà nước có chính sách bảo hộ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng”, cùng các quy định dưới luật khác…
Thế nhưng, thông tin trên báo, đài hằng ngày cho thấy, quyền của người tiêu dùng đang bị đe dọa từ mọi phía: Nào là thịt bò thối, thịt heo tạo nạc bằng hóa chất độc hại, rau quả bị tẩm hóa chất, xăng dầu bị pha chế hết sức nguy hiểm, đến cả cọng rau ăn hằng ngày cũng không còn an toàn. Hàng dỏm, hàng kém chất lượng và không bảo đảm vệ sinh từ khâu sản xuất đến chế biến đang tràn lan tại các chợ… Nhiều gia đình phải tự chế các thùng carton, thùng nhựa để ươm trồng rau sạch trên các căn hộ chung cư chật hẹp, trên các sân thượng, hoặc cuốc vỡ lề đường để tỉa một hàng đậu, một khóm rau đang là chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng với họ, đó là nỗ lực cuối cùng vì sự thiếu tin tưởng khi mua hàng ở chợ.
Nhà nước cũng có một bộ máy, hệ thống tổ chức để bảo vệ người tiêu dùng, gồm hệ thống kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra đo lường chất lượng hàng hóa từ các ngành khác nhau, quản lý thị trường, các đội phòng dịch đến tận các phường, xã; chưa kể đến các chốt kiểm soát giao thông, các đội kiểm tra liên ngành… Lại còn tổ chức rầm rộ nhiều đợt “ra quân” hằng năm khá tốn kém, nhưng có lúc có nơi đã tỏ ra kém hiệu quả. Trường hợp các xe khách chở hàng tấn thịt thối, qua hàng ngàn cây số từ các tỉnh phía Bắc vào đến sát thành phố Hồ Chí Minh; hay những tấn thịt thối được đưa từ xe khách sang xe ôm chở đi tiêu thụ ở Đà Nẵng vừa qua bị phát hiện, là những ví dụ điển hình.
Bộ máy quản lý, kiểm tra cồng kềnh, chồng chéo lại thiếu hiệu quả; cộng với đạo đức kinh doanh ngày càng băng hoại trong xã hội đã tạo nên thực tế nguy hiểm cho người tiêu dùng. Điều này đáng báo động; mà theo nhiều người, tình trạng này cũng nguy hiểm không kém “quốc nạn” tham nhũng, hối mại quyền thế, làm giàu bằng mọi giá đang hoành hành khắp nơi trên đất nước ta hiện nay.
Xét cho cùng, 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng là: Quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được lắng nghe; quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; quyền được bồi thường; quyền được giáo dục; quyền được có một môi trường lành mạnh và bền vững đang đứng trước những nguy cơ không được bảo vệ một cách hiệu quả. Người tiêu dùng vẫn lo sợ vì những quyền này chỉ dừng lại trên các văn bản mang tính răn đe nhưng lại thiếu hiệu lực thi hành. Nguyên nhân chính vẫn là chuyện đã… cũ: Pháp luật bị buông lỏng, đạo đức bị che lấp bởi những giá trị vật chất trước mắt thấp hèn!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG