.

Phải từ “tế bào”!

“Có những đồng chí trước đây từng công tác kinh qua những vị trí khá quan trọng, bây giờ về với đời thường được nhân dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, trưởng thôn; các đồng chí đừng nghĩ đó là chức nhỏ! Làm tổ trưởng dân phố, trưởng thôn mà làm tốt; trên địa bàn mà an ninh trật tự được bảo đảm, không có tội phạm, ma túy, trộm cắp, hộ nghèo... thì còn quan trọng, vinh dự hơn những anh em chúng tôi đảm nhận chức vụ cao mà không hoàn thành nhiệm vụ, chứ đừng nghĩ là chức đó nhỏ!”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã nhấn mạnh như vậy với 2.270 tổ trưởng dân phố, trưởng thôn của 56 xã, phường trên địa bàn thành phố trong cuộc nói chuyện diễn ra vào sáng qua (6-3) tại Cung Thể thao Tiên Sơn nhân dịp phát động xây dựng “Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo”.

Nói như vậy để thấy được vai trò quan trọng của “cánh tay nối dài” chính quyền phường, xã là tổ dân phố, thôn trong việc quản lý xã hội, chứ không phải nói đến chức vụ, quyền lợi của những người đứng đầu ở cấp đó. Bởi hiện nay, với cán bộ tổ dân phố, thôn, việc thì nhiều nhưng quyền lợi không có bao nhiêu, chỉ mới dừng ở mức “động viên” là chính. Những cán bộ đảm nhận chức danh ở cấp này cũng phần lớn do sự tín nhiệm của nhân dân, vì trách nhiệm, vì cái tâm với công việc chung, với xã hội... chứ không có những ràng buộc trách nhiệm nào khác.

Do đặc thù về quản lý xã hội ở nước ta, các tổ dân phố (đối với phường) và thôn (đối với xã) có vai trò quan trọng, là “tế bào” trong hệ thống chính trị. Nếu những “tế bào” đó mạnh, phát triển nhanh, thì “cơ thể” quốc gia mới mạnh, đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng mới được bảo đảm, hệ thống chính trị mới vững bền. Thực tế diễn ra trong suốt quá trình cách mạng nước ta, nhất là từ khi đất nước độc lập, thống nhất đã chứng minh điều đó.

Chính vì nhận thức được điều đó, nên trong thời gian qua, Đà Nẵng đã có những động thái tích cực trong việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống chính trị dưới xã, phường; từ chi bộ dân cư, đến tổ dân phố, thôn và các chi hội, chi đoàn... Đội ngũ cán bộ của cấp này đã được chọn lọc một cách kỹ càng hơn, có chất lượng hơn nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, nhất là những việc đụng chạm đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân; chú trọng nâng cao kỹ năng vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân. Chế độ, chính sách cũng được quan tâm giải quyết, mặc dù chưa nhiều nhưng cũng cao hơn các địa phương khác. Nhờ đó, những chủ trương, chính sách của thành phố đã đến được với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và thực hiện một cách có hiệu quả. Điều đó đã được khẳng định trong suốt quá trình 15 năm xây dựng và phát triển thành phố từ ngày Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, thực tế cũng đã bộc lộ rõ những vấn đề cần được xem xét, chấn chỉnh lại hoạt động của đội ngũ cán bộ cũng như hệ thống tổ dân phố, thôn. Mặc dù đã làm được nhiều việc, nhưng với yêu cầu phát triển hiện nay của thành phố, nhiều nơi đã cho thấy sự yếu kém, lơi lỏng trong hoạt động của tổ dân phố, thôn. Nguyên nhân có thể bắt đầu từ việc thiếu các chế độ, chính sách hợp lý nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ dưới cơ sở; có thể do chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ từ phường, xã đến dưới cơ sở; có thể do phẩm chất, năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; có thể do sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng; có thể do tác động từ sự phát triển của đất nước... Vì thế, những vấn đề cần quan tâm, giải quyết nhanh chóng, cụ thể, rốt ráo... đã không được thực hiện từ dưới cơ sở; tâm tư, nguyện vọng chính đáng của một bộ phận quần chúng nhân dân chưa được phản ánh kịp thời... Vì thế, nhiều vụ việc nảy sinh dưới cơ sở và lớn dần thành những vấn đề phức tạp trên nhiều mặt, mà việc giải quyết không thể một sớm một chiều, để lại những dư âm trong đời sống.

“Bắt bệnh” từ những “tế bào” đó, lãnh đạo thành phố đã quyết định trong năm nay sẽ xây dựng và ban hành chế độ, chính sách mới dành cho đội ngũ Bí thư chi bộ khu dân cư, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn. Chế độ, chính sách mới đó không chỉ là khoản thù lao, bồi dưỡng cao hơn, mà còn là trách nhiệm cụ thể hơn, gắn chặt hơn với đời sống dưới cơ sở. Để từ đó, không chỉ với tinh thần trách nhiệm, mà với lòng nhiệt huyết, với năng lực... của mình, các cán bộ dưới cơ sở thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Có như thế thì những “tế bào” mới ngày càng mạnh hơn!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.