Trong tháng 3 này, những câu chuyện của Đà Nẵng liên tục được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút sự quan tâm của dư luận: Chuyện Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với hơn 4.500 cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố; kiên quyết nói “không” với mũ bảo hiểm kém chất lượng; phân làn giao thông; hạn chế nhập cư vào những khu vực dân cư đông đúc để thúc đẩy chất lượng sống; hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường; hay cầu Rồng bắc qua sông Hàn sẽ phun lửa… Có những câu chuyện ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Trung ương, sự đồng tình của người dân cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng; có những câu chuyện nhận được những ý kiến đa chiều;
nhưng tất cả đều phản ánh một Đà Nẵng với tâm thế mới trên bước đường hội nhập, xây dựng, phát triển.
Người dân Đà Nẵng kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng thành phố (29-3-1975 - 29-3-2012) trong niềm hân hoan với những thành tựu to lớn, đánh dấu những nỗ lực, sự kiên trì, lòng quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố, để Đà Nẵng khoác chiếc áo khang trang, đẹp đẽ và tràn đầy hy vọng vào tương lai; để đời sống ngày càng được cải thiện; để người nghèo mỉm cười vì cảm nhận sự ấm áp trong vòng tay sẻ chia của cộng đồng; để những người một thời lầm lỗi biết quay về nẻo thiện… Chặng đường 37 năm là bản hùng ca, thể hiện sự khát khao cháy bỏng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nhằm xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố an bình, đáng sống. Chặng đường đó chứa đựng bao vui, buồn, mồ hôi, nước mắt, khó khăn, gian khổ của mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng với những kết quả đạt được như hiện nay, chúng ta tự tin để khẳng định Đà Nẵng đã xứng đáng với sự hy sinh của hàng triệu người dân yêu nước, của các anh hùng, liệt sĩ vì nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Tròn một năm nữa, với việc cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý được đưa vào sử dụng, Đà Nẵng sẽ là thành phố của những cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Hàn. Đà Nẵng sẽ không chỉ có núi Ngũ Hành, không chỉ có cầu Sông Hàn mà còn có cầu Rồng… Người Đà Nẵng sẽ càng tự hào hơn bởi đây là thành quả của sự đồng thuận, sự chung sức, chung lòng của cán bộ và nhân dân. Du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng cũng sẽ muốn tận mắt chứng kiến cầu Rồng được thắp sáng bởi 15.000 bóng đèn LED thông qua bộ điều khiển tự động, đặc biệt là xem “Rồng phun lửa” vào tối thứ bảy và chủ nhật. Có những ý kiến cho rằng, việc cầu Rồng phun lửa là sự lãng phí tiền của trong lúc phải thực hành chính sách tiết kiệm trước những ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính thế giới. Tuy nhiên, là một thành phố du lịch, chủ trương phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, thì Đà Nẵng không thể không có những nét mới và độc đáo, lại càng không thể không có điểm nhấn giữa lòng thành phố. Rồi cùng cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi - một chứng nhân của thời khói lửa khi được tôn tạo - sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cho Đà Nẵng, góp phần tạo ra diện mạo mới cho thành phố, để Đà Nẵng trở nên thanh bình, hài hòa, hấp dẫn và đáng sống hơn.
Người dân Đà Nẵng đang nhìn vào thành phố của hôm nay để kỳ vọng về một thành phố của tương lai. Trong hành trình ngày nay của người Đà Nẵng là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại cùng với tầm nhìn tương lai. Sự kết nối đó là gắn kết của tình yêu thương, lòng vị tha, của hoài bão, khát vọng. Sự kết nối đó là sự gắn kết của những con người muốn hướng đến chân - thiện - mỹ, để cuộc sống càng tốt đẹp và chan chứa tình người.
TÚ PHƯƠNG