.

“Thẻ đỏ” trên những cung đường

Chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đối với việc tuyên truyền về an toàn giao thông, tăng cường lực lượng CSGT, kẻ vạch phân làn đường, đồng thời chấn chỉnh hoạt động taxi tại sân bay quốc tế Đà Nẵng khẳng định quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc thực hiện “Năm An toàn giao thông 2012”.  

Theo thống kê, năm 2011, tai nạn giao thông đường bộ ở Đà Nẵng giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Có tổng cộng 178 vụ tai nạn giao thông đường bộ (giảm 26 vụ so với năm trước đó), 123 người chết (giảm 20 người), 143 người bị thương (giảm 11 người). Những con số này chưa kịp làm chúng ta vui mừng vì một chút tín hiệu tốt hơn, thì những vụ tai nạn thương tâm trong hơn 2 tháng đầu năm nay xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng lại làm dấy lên nỗi lo. Vụ xe tải tông chết 3 người khi dừng đèn đỏ ở ngã tư Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập, xe container tông chết 3 người thuộc địa phận thôn Hòa Khương Đông (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), xe tải hút hầm cầu vệ sinh của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng tông chết một sinh viên và làm một người khác bị thương nặng trên đường Hoàng Văn Thái (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu)… gióng lên hồi chuông về sự cấp thiết bảo đảm an toàn giao thông.

Lực lượng CSGT được giao chức trách bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhưng dường như những chiếc “thẻ đỏ” chưa được rút ra kịp thời, đúng người, đúng việc. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền về an toàn giao thông của Ban An toàn giao thông thành phố và các cơ quan thông tấn, phải có những “thẻ đỏ” cho việc phóng nhanh, vượt ẩu; không đi đúng làn đường; đi ngược chiều; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô-tô, xe máy; uống rượu bia khi lái xe; chạy quá tốc độ quy định; chở quá số người cho phép… Nhưng để những chiếc “thẻ đỏ” thật sự phát huy hiệu quả, đòi hỏi tinh thần làm việc và trách nhiệm của CSGT.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh từng cho rằng, việc giảm thiểu tai nạn giao thông là trách nhiệm của ngành Công an, chứ không thể kêu gọi toàn xã hội vào cuộc và yêu cầu sự giáo dục của gia đình. Nay việc tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố với những giải pháp quyết liệt lại càng đòi hỏi trách nhiệm của lực lượng CSGT để mang lại những cung đường bình yên.

Số điện thoại đường dây nóng của thành phố (0511.3888888) được thông báo bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh trên tất cả các taxi hoạt động ở sân bay quốc tế Đà Nẵng; các tuyến đường có dải phân cách và không có dải phân cách đều được kẻ vạch phân làn trước ngày 1-4. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe… Hàng loạt giải pháp được ban hành với nỗ lực và quyết tâm cao nhất là bảo đảm an toàn giao thông.

Dù trách nhiệm chính thuộc về ngành Công an, nhưng người dân - người trực tiếp tham gia giao thông không thể bỏ qua ý thức. Quy định chỉ mang tính hướng dẫn và là cơ sở của chế tài, còn ý thức mang tính tự giác và giảm thiểu những chiếc “thẻ đỏ”. Không ai mong muốn xảy ra sự việc kinh hoàng như vụ tai nạn làm 3 người chết ở ngã tư Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập (Đà Nẵng), hay vụ ở phường Thịnh Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khi Vũ Lê Hoàng, nhân viên Bộ Ngoại giao, không đội mũ bảo hiểm, nhấn ga phóng qua 2 chốt chặn, tông trực diện vào Trung tá CSGT khiến người sĩ quan này bất tỉnh. Những vụ việc này xảy ra bắt nguồn từ ý thức kém. Khi quy định được chuyển hóa thành ý thức của mỗi người thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, những cung đường sẽ bình yên hơn, tai nạn giao thông lúc đó sẽ không còn là nỗi ám ảnh thường trực.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.