.

“Trách nhiệm giải trình” với dân

Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng đầu ngành đã liên tục đăng đàn trả lời trực tuyến, đối thoại với dân. Bên cạnh đó, kể từ ngày 9-3, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”.

Thông qua nhiều hình thức đối thoại, các vấn đề bức xúc đã được đặt ra để mổ xẻ, phân tích, giải đáp, thể hiện quan điểm của các cấp điều hành, với hy vọng định hướng dư luận xã hội, tạo ra sự đồng thuận trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều này đặc biệt hữu ích, nhất là trong bối cảnh dư luận đang băn khoăn, bức xúc về tham nhũng, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn giao thông, giá xăng dầu, mũ bảo hiểm kém chất lượng…, cũng như có những ý kiến đa chiều về hàng loạt chính sách trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống như phí giao thông, thuế thu nhập cá nhân…

Theo nguyên lý vận hành thể chế dân chủ, “trách nhiệm giải trình” của chính quyền luôn được đặt lên hàng đầu, được xem là tiêu chí cơ bản để thẩm định, đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền và trực tiếp cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, “trách nhiệm giải trình ” không đơn giản chỉ là đối thoại/hỏi - đáp; càng không phải là hành vi xuất phát từ ý chí của một bên, mà thực chất là “quy trình dân chủ hóa” mang tính 2 chiều. Nghĩa là, người dân có những nhu cầu mà chỉ có những dịch vụ công của Chính phủ mới đáp ứng được. Về phần Chính phủ, phải có bổn phận cung cấp những dịch vụ đó theo cách tối ưu nhất. “Trách nhiệm giải trình” đòi hỏi phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với các dịch vụ công mà Chính phủ cung cấp, đồng thời người dân có cơ hội lên tiếng liệu họ có hài lòng với các dịch vụ đó hay không, kể cả với quyền hiến kế và giám sát việc triển khai thực hiện.
Công cụ để hiện thực hóa “trách nhiệm giải trình” trước hết phải dựa vào “kiềng 3 chân”: Luật pháp - đạo đức - công luận. Thông qua hàng loạt giải pháp như: Thể chế hóa bằng pháp luật về quyền - nghĩa vụ của cán bộ, công chức, công dân; ban hành cơ chế thẩm quyền về điều tra dư luận xã hội, bao gồm cả hình thức trưng cầu ý dân đối với những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; công khai quy hoạch, cơ chế tuyển dụng, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo để nhân dân theo dõi, giám sát… Tuy nhiên, như dư luận thường nói “Trăm nghe không bằng một thấy”. Chỉ cần một chuyển động thiết thực, cụ thể là đã có giá trị thuyết phục hơn vạn lần so với nhiều lời hứa hoặc cam kết chung chung, nhưng không chỉ ra được trách nhiệm cá nhân và cũng không đưa ra được lộ trình hành động. Làm sao đó để “trách nhiệm giải trình” nói chung, hiệu quả đối thoại nói riêng thật sự mang lại hiệu ứng dân vận rõ rệt, dẫn dắt công luận theo hướng chấp nhận cùng nghe, cùng lo, cùng làm; tránh tình trạng nói không đi đôi với làm, làm không đến nơi đến chốn…

Năng lực quản trị quốc gia phụ thuộc phần lớn vào năng lực bộ máy cơ quan công quyền. Điều này thể hiện trước hết ở tính hiệu quả của cơ chế chính sách điều hành, vừa bảo đảm cân bằng mục tiêu “ích nước, lợi nhà”, vừa có khả năng đo lường được “phản ứng lòng dân” trước mỗi một quyết sách hệ trọng. Khi cơ chế “trách nhiệm giải trình” có đủ điều kiện pháp lý và thực tiễn để vận hành thông suốt thì cũng có nghĩa rằng hiệu quả quản lý của Nhà nước sẽ được tăng cường, năng lực thuyết phục công luận trở nên dễ dàng hơn, tính khả thi của những giải pháp ban hành sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tất nhiên, “trách nhiệm giải trình” không phải là “cây đũa thần” khiến mọi việc trở nên hoàn hảo, tốt đẹp, nhà chức trách đôi khi cũng không thể tránh khỏi quy luật “lỗi điều hành”. Vấn đề quan trọng là ở chỗ cho dù thành công hay thất bại vẫn luôn thành thật với dân và thật sự tôn trọng dân.   

TÂM DÂN   

;
.
.
.
.
.