UBND thành phố Đà Nẵng vừa phát động Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN) lần thứ 14 (từ ngày 18 đến 24-3). Báo Đà Nẵng ngày 16-3-2012 cũng đăng bài “An toàn lao động: SOS!” phản ánh về tình trạng mất an toàn lao động dẫn đến tai nạn đang ở mức báo động. Số liệu thống kê không khỏi làm nhiều người giật mình: Năm 2011, trên địa bàn thành phố xảy ra 68 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 15 người chết, 73 người bị thương, đứng thứ 7 trong 10 địa phương có số người chết cao nhất do TNLĐ. Đáng chú ý hơn, trong tổng số vụ tai nạn, có đến 75% thuộc về loại hình doanh nghiệp tư nhân. Các vụ TNLĐ nghiêm trọng đều rơi vào lĩnh vực lao động giản đơn trong xây dựng, khai thác mỏ, gia công kim loại cơ khí, lắp ráp vận hành máy và thiết bị sản xuất...
Thực tế cho thấy, đa số những người hoạt động trong các lĩnh vực dễ xảy ra TNLĐ nhất đều từ thôn quê ra thành phố mưu sinh và phần lớn không có điều kiện học hành nhiều. Trong khi điều kiện an toàn lao động chưa bảo đảm, nhiều người lao động phổ thông chủ yếu ký “hợp đồng miệng” với các nhà thầu, hoặc có hợp đồng thì cũng rất lỏng lẻo. Rồi khi xảy ra tai nạn, nhà thầu hoặc chủ doanh nghiệp dễ dàng “lách” luật. Hầu hết người lao động phổ thông rất ít biết về quyền lợi của mình khi tham gia lao động tại các công trình, nhà máy, xí nghiệp. Vì vậy, khi có rủi ro xảy ra, hầu như họ (hoặc người thân) không biết đòi quyền lợi chính đáng thế nào.
Còn nhớ cách đây không lâu, vụ tai nạn nổ bình gió đá tại Công ty thép Thái Bình Dương (đường 11B, Khu CN Thanh Vinh mở rộng) làm anh Hồ Viết Hùng (SN 1973, trú Nam Ô, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) chết tại chỗ. Tuy nhiên, cán bộ Công đoàn của công ty này lại im lặng. Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ việc mà tiếng nói của Công đoàn chưa được phát huy. Trong khi đó, ngành LĐ-TB&XH với vai trò là cơ quan quản lý về an toàn lao động, điều kiện lao động, bồi thường TNLĐ cho người lao động dường như cũng chưa thật sự thể hiện hết trách nhiệm (?!).
Sở LĐ-TB&XH thành phố hằng năm đều lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra, lập biên bản xử lý hàng chục doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động; tuyên truyền khá rầm rộ cho Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN; tổ chức hàng loạt các hội thi, hội thảo tuyên truyền. Song, việc thanh tra, kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở các tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động với Sở; còn các công trình nhỏ, các lĩnh vực xây dựng đơn giản... gần như nằm ngoài tầm với của ngành LĐ-TB&XH như một cán bộ ngành này từng thừa nhận.
Những con số báo cáo dù làm nhiều người giật mình, nhưng thực tế có thể còn lớn hơn nhiều. Khi tai nạn xảy ra, bản thân người lao động và gia đình phải gánh chịu thiệt hại, rơi vào ai thì nấy chịu!. Rủi ro trong lao động là không thể tránh khỏi, nhưng kiểu xoay vòng trách nhiệm để rồi quyền lợi và tính mạng của người lao động bị bỏ ngỏ như hiện nay là điều đáng bàn. Trong khi ngành chức năng đang loay hoay với việc truy tìm trách nhiệm cho ai thì người lao động vẫn ngày ngày đối mặt với rủi ro treo lơ lửng. An toàn lao động quả thật đang ở tình trạng SOS!
TRỌNG HUY