Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 23-3 vừa qua, tỷ phú người Mỹ đồng thời là Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg ngoài việc trao tặng 1.211 chiếc mũ bảo hiểm còn gửi đến học sinh tiểu học thông điệp giản dị: Hãy học giỏi, giữ an toàn và đừng quên nói với bạn bè, bố mẹ, những người thân của mình đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy! Sự kiện này tuy không lớn nhưng cùng với nhiều hoạt động của thanh-thiếu niên cả nước hướng tới kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26-3, đồng thời hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2012 mang ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền sâu sắc nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), xây dựng văn hóa giao thông ở giới trẻ trong bối cảnh TNGT ở Việt Nam đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Qua thống kê, số người chết vì TNGT ở nước ta lên đến gần 12.000 người/năm. Thiệt hại ước tính chiếm từ 1-2% tổng thu nhập quốc dân cho việc mất tài sản, cứu chữa. Đây là nỗi nhức nhối các cơ quan chức năng, nỗi đau xót của bao gia đình. Biết bao người phải giã từ cuộc đời hay gánh chịu thương tật, tàn phế vì một phút bất cẩn, bốc đồng, nông nổi trong lúc tham gia giao thông. Trong đó, một bộ phận thanh-thiếu niên thiếu nhận thức là nhân tố gây ra thực trạng đau lòng đó.
Một trong những nguyên nhân chính gây TNGT là do ý thức kém như phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, vượt quá tốc độ. Một số học sinh, sinh viên không có giấy phép lái xe, không đủ tuổi vẫn điều khiển mô-tô, xe máy. Phần lớn họ đều biết các quy định về Luật Giao thông đường bộ nhưng vẫn còn nhiều người không chấp hành như không đội mũ bảo hiểm, đi hàng đôi, hàng ba, vượt đèn tín hiệu giao thông. Khi thấy lực lượng Cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra thì bỏ chạy, hoặc vượt đèn đỏ. Đặc biệt, các cơn “bão đêm” ở thành thị hầu hết là do thanh-thiếu niên ý thức kém gây nên. Điều đáng báo động là số lượng thanh niên sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông có xu hướng tăng cao, gây nên nhiều vụ TNGT nghiêm trọng thiệt hại về người và vật chất.
Thực trạng đáng buồn đó cho thấy đã đến lúc các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội nhằm nâng cao ý thức chấp hành văn hóa giao thông. Để thực hiện nếp sống văn hóa giao thông trong cộng đồng và đặc biệt là đối tượng đoàn viên, thanh niên, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động đổi mới và thiết thực tuyên truyền trực tiếp đến các trường học, các tụ điểm đông dân cư vào các giờ cao điểm như: Tổ chức các hội thi tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông (ATGT); thi vẽ tranh, bài viết, triển lãm báo ảnh, báo tường về ATGT; thi lái mô-tô an toàn. Nhiều đơn vị hưởng ứng và tổ chức Ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”; tập huấn kiến thức ATGT cho tuyên truyền viên cấp cơ sở, hướng dẫn kỹ năng tuyên truyền ATGT; xây dựng văn hóa giao thông và kỹ năng lái xe an toàn, trong đó tập trung vận động thanh niên thực hiện các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông…
Những hoạt động trên đã góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu TNGT trong thanh thiếu niên thành phố trong thời gian qua. Tuy vậy, công tác phối hợp giữa tổ chức Đoàn, Hội với Ban ATGT và huy động các nguồn lực xã hội cho các hoạt động của Đoàn tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Việc hướng dẫn hoạt động của các mô hình, đội hình thanh, thiếu nhi tham gia giữ gìn trật tự giao thông chưa được quan tâm, dẫn đến các hoạt động của thanh niên mới chỉ dừng lại ở bề nổi.
“Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách”, để văn hóa giao thông trở thành thói quen trong mỗi người đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, từ hoạch định chiến lược đến xây dựng chương trình, kế hoạch hành động. Bởi điều đầu tiên và cơ bản nhất của người tham gia giao thông là hiểu biết đầy đủ, đúng đắn pháp luật. Người tham gia giao thông có văn hóa là người thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ, thực hiện tốt mọi quy định dù là nhỏ của Luật, từ cử chỉ, hành động đến thái độ, lời nói và phương tiện đều cần sự chuẩn mực, có văn hóa. Đã đến lúc, mỗi thanh niên thành phố phải là lực lượng xung kích, tiên phong, gương mẫu trong việc xây dựng văn hóa giao thông, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc cho mỗi gia đình.
DIỆU MINH