.

Vươn ra biển lớn

Báo Đà Nẵng số ra ngày 12-3-2012 đăng tin: Chuyến biển 10 ngày thu 740 triệu đồng, phản ánh việc tàu ĐNa 90351 của ông Lê Văn Chiến (trú tổ 4, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) chỉ trong 10 ngày bám biển đưa về 22 tấn cá, trị giá 740 triệu đồng. Trong chuyến biển trúng đậm đó, sau khi trừ hết các khoản chi phí, riêng chủ tàu có được 372 triệu đồng, ngư dân hơn 20 triệu đồng/người. Đây quả là nguồn thu lớn với ngư dân!

Từ kết quả trên có thể thấy rằng, đánh bắt hải sản là hoạt động kinh tế nhanh làm ra của cải, thu nhập vượt trội. Đối với nuôi trồng thủy sản, để có 22 tấn cá, hàng chục nông dân phải triển khai trên nhiều héc-ta ao hồ trong ít nhất 6 tháng. Chẳng thế mà hầu như địa phương nào có tiềm năng về biển đều coi đánh bắt hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Hoạt động này không chỉ đưa từ biển về lượng của cải giá trị phục vụ cho phát triển kinh tế của địa phương mà còn góp phần bảo vệ ngư trường và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoạt động đánh bắt hải sản có từ lâu đời ở Đà Nẵng. Hiện nay, cơ sở hạ tầng nghề cá của thành phố bao gồm: cầu cảng, chợ đầu mối thủy sản, âu thuyền tránh bão, khu công nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, đã và đang là cơ hội để hoạt động đánh bắt hải sản phát triển.

Với gần một triệu dân, Đà Nẵng là thị trường phong phú cho sản phẩm hải sản. Làm giàu từ biển không còn là chuyện mới mẻ. Không chỉ chuyến biển 10 ngày, thu 740 triệu đồng như tàu của ông Chiến, mà hầu như các tàu đánh bắt xa bờ đều thu nhập rất cao. Với nghề câu mực truyền thống, chuyến biển từ 50 - 60 ngày thu 3,5 - 4 tỷ đồng trở nên khá phổ biến. Vì vậy, không lý do gì mà Đà Nẵng không ưu tiên phát triển đánh bắt hải sản. Nếu đội tàu đánh bắt xa bờ hàng trăm chiếc liên tục bám biển, sản lượng hải sản sẽ không dừng ở mức 34.000 - 36.000 tấn/năm, như những năm gần đây mà cao hơn thế.

Chính quyền các cấp và cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã nhận thấy sự cần thiết phải đầu tư có chiều sâu cho lĩnh vực khai thác hải sản biển và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân rất thiết thực, như lắp đặt miễn phí máy liên lạc tầm xa ICOM, máy định vị GPS cho tàu đánh bắt xa bờ, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên; đào tạo thuyền, máy trưởng; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề… Từ sự tiếp sức hiệu quả này, hoạt động đánh bắt hải sản đã khởi sắc trông thấy. Nhiều chủ tàu đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng đổi mới nâng công suất tàu. Có hộ đầu tư 3,4 tỷ đồng đóng mới tàu cá công suất gần 1.000 CV, lớn nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, so với các địa phương khác, hoạt động đánh bắt hải sản của Đà Nẵng vẫn rất khiêm tốn cả về số tàu thuyền lẫn sản lượng. Hiện tại, số tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng chỉ bằng 1/10 và sản lượng hải sản chỉ khoảng 1/6 của tỉnh Quảng Ngãi. Thị trường Đà Nẵng chủ yếu đã và đang tiêu thụ hải sản do ngư dân các địa phương khác khai thác. Thực tế này đặt ra vấn đề: Cần có chính sách khả thi hơn nhằm đẩy mạnh hoạt động đánh bắt hải sản, cụ thể là đóng mới nhiều tàu công suất lớn để vươn ra khơi xa. Bởi lẽ, bên cạnh việc mang lại nguồn thu nhập, hoạt động đánh bắt hải sản còn góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.