.

Bộ nói dễ, dân thấy khó!

Sau những tranh cãi và phản ứng của dư luận, cuối cùng thì Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng chốt mức phí bảo trì đường bộ, đồng thời chuyển sang Bộ Tài chính. Tuy mức phí này nhẹ hơn rất nhiều so với phí hạn chế phương tiện cá nhân được dự kiến, nhưng cũng thêm một gánh nặng cho người dân giữa thời bão giá.

Theo đó, ô-tô sẽ chịu phí bảo trì đường bộ từ 180.000 đồng - 1.440.000 đồng/tháng và xe máy chịu phí từ 80.000-180.000 đồng/năm. Câu hỏi đặt ra là liệu mức phí này sẽ đảm bảo công bằng cho tất cả các phương tiện ô-tô, xe máy hay không và người dân được hưởng tiện ích gì khi đóng phí?   

Khi đề xuất 2 mức phí: phí bảo trì đường bộ và phí hạn chế phương tiện cá nhân, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng liên tục nói rằng, việc đóng 2 loại phí này là dễ (!?), nhưng lại không có cơ sở chắc chắn nào cho thấy người dân có khả năng gánh thêm phí. Trong lúc đó, thực tế chỉ chứng minh rằng, người dân đang phải gồng mình với biến động giá cả và người đi ô-tô phải chịu “phí chồng phí” khi sở hữu một chiếc xe nhập khẩu có giá thành đắt gấp 3 lần so với giá của nhà sản xuất.

Dù phí bảo trì đường bộ được thông qua hay không, và phí hạn chế phương tiện cá nhân được lùi thời gian áp dụng, nhưng thật sự người dân vẫn không thỏa mãn khi bị buộc phải đóng phí mà không nhìn thấy những tiện ích. Các tuyến đường ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn ùn tắc; các tuyến đường ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước nhỏ, hẹp, không đảm bảo chất lượng cho người tham gia giao thông; tai nạn giao thông vẫn xảy ra, đó là chưa kể đến những “chiếc bẫy”, “hố tử thần” trên đường… Vậy, đóng phí bảo trì đường bộ thì chất lượng đường có tốt lên không? Câu trả lời thật sự bỏ ngỏ, mặc dù Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Việc này 100% người dân được hưởng lợi. Đó là lợi ích chung của đất nước” (!?).  

Trong 2 cuộc họp báo liên tiếp của Chính phủ và của Bộ GTVT thu hút sự quan tâm của dư luận, cách lý giải của Bộ trưởng Đinh La Thăng không hề thuyết phục. Điều gọi là “tự hào, yêu nước” khi đóng phí theo lời vị tư lệnh giao thông xem ra không ăn khớp gì với việc đóng phí. Ngay cả việc Bộ trưởng nói rằng, đề xuất của Bộ thu phí vào thời điểm kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang khó khăn nên không tạo sự đồng thuận trong nhân dân và lẽ ra nên thu từ năm 2010 thì sẽ hợp lòng dân hơn cũng là suy nghĩ của cá nhân chứ không đứng trên quan điểm, hoàn cảnh thực tế của dân. Nhà sử học Dương Trung Quốc hoàn toàn có lý khi cho rằng, Bộ đã nhầm lẫn giữa khái niệm “thuế” và “phí” (Báo Tuổi Trẻ ngày 5-4-2012) bởi phí mang tính định lượng, nghĩa là sử dụng dịch vụ nào thì trả tiền cho dịch vụ ấy, đi xe nhiều thì trả nhiều, đi ít thì trả ít. Nhưng khi đóng phí bảo trì đường bộ, người sử dụng xe nhiều cũng sẽ trả bằng người dùng xe ít, thậm chí đối với xe chỉ “đắp mền” và thỉnh thoảng phục vụ cho những chuyến đi khỏi ngoại thành.

Nếu buộc phải đóng phí, người dân sẽ chờ Bộ trưởng Bộ GTVT thực hiện cam kết: Việc đi lại sẽ thuận lợi hơn, an toàn hơn, đỡ ngửi khói xe hơn... Nhưng đến thời điểm này, đường vẫn không thông; đi lại vẫn không thuận lợi, không an toàn; người đi đường vẫn không thể thiếu khẩu trang để tránh khói bụi… Đóng phí xem ra là dễ với Bộ, nhưng là khó với dân!

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.