“Tháng Công nhân” 2012 tập trung chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quá trình xây dựng giai cấp công nhân…
Lần đầu tiên được tổ chức, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, hoạt động doanh nghiệp đình đốn, việc đề ra mục tiêu “Tháng Công nhân” thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp công nhân.
“Tháng công nhân” ở Đà Nẵng được triển khai trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Danh sách doanh nghiệp ngưng hoạt động ngày càng dài thêm. Nhiều chủ doanh nghiệp phải xoay xở để chèo chống con thuyền vượt qua bão dữ. Trước tình hình đó, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp ở Đà Nẵng rất khiêm tốn, phần nhiều ở mức 1.780.000 đồng/tháng (lương cơ bản trong doanh nghiệp). Ở một số doanh nghiệp, công nhân có mức thu nhập khá hơn, bằng mức lương cơ bản cộng các khoản tiền năng suất, chuyên cần, tiền tăng ca… nhưng bình quân cũng chỉ ở mức 2,3 triệu đồng/tháng. Số doanh nghiệp công nhân có mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng rất ít. Thêm vào đó, do hoạt động kinh doanh sa sút, để bảo toàn vốn, nhiều doanh nghiệp hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, sa thải công nhân, hoặc hạ định mức tiền công trên sản phẩm, đẩy khó khăn về phía công nhân.
Một hướng tiếp cận khác, trong tổng số hơn 60.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, hơn 52% là người nhập cư từ các địa phương khác. Phần lớn số công nhân nhập cư phải thuê nhà ở. Tại Đà Nẵng, nhà cho công nhân thuê không tồi tàn như một số địa phương khác nhưng rất chật chội, thiếu thốn đủ bề. Tiền công, thu nhập của công nhân rất thấp nhưng họ phải chi phí không nhỏ cho việc thuê nhà, điện, nước khiến bữa ăn vốn giản đơn nay càng thêm đạm bạc. Khốn khó về vật chất, công nhân còn phải chịu thiếu thốn đủ bề về đời sống tinh thần…
Trước vô vàn khó khăn từ nhiều phía tưởng chừng không thể vượt qua đó, Liên đoàn Lao động thành phố đang hằng ngày đứng bên cạnh công nhân, chia sẻ, tìm biện pháp giúp đỡ người lao động vượt khó. Công đoàn đã sát cánh cùng doanh nghiệp tìm cách duy trì sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân. Công đoàn đã bàn bạc, thống nhất với doanh nghiệp ưu tiên việc làm cho phụ nữ, những phụ nữ nuôi con nhỏ hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn đã vận động tổ chức gian hàng khuyến mãi cho công nhân; vận động chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng; tư vấn dinh dưỡng; khám chữa bệnh cho công nhân. Để triển khai tốt “Tháng Công nhân” 2012, Liên đoàn Lao động thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động cụ thể khác như phối hợp với Đài truyền thanh các quận, huyện tổ chức chương trình truyền thanh “Lao động - Công đoàn”; tổ chức ngày hội công nhân tại các khu công nghiệp An Đồn, Hòa Cầm, Hòa Khánh; gặp mặt, biểu dương các doanh nghiệp làm tốt việc chăm lo đời sống cho công nhân và người lao động; chủ động bám sát hoạt động doanh nghiệp, theo dõi sát sao sự thay đổi định mức lao động tại các doanh nghiệp… Những hoạt động đó hết sức thiết thực, thể hiện vai trò, vị trí của Công đoàn trong sự phát triển giai cấp công nhân, và làm cho toàn xã hội quan tâm hơn đối với đội ngũ công nhân, viên chức, lao động thành phố.
Những nỗ lực của Công đoàn thành phố thời gian qua rất đáng ghi nhận, nhưng so với mục tiêu mà “Tháng Công nhân” đề ra còn khiêm tốn. Nhiều bức xúc của công nhân trong các doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên đã xảy ra nhiều hành động phản ứng tự phát. Vì vậy, các cấp Công đoàn cần hướng về cơ sở hơn nữa để giải quyết kịp thời những bức xúc, khó khăn của công nhân, viên chức, người lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Để “Tháng Công nhân” thật sự ý nghĩa, tác động tích cực đến đời sống công nhân, ngoài lực lượng nòng cốt là tổ chức Công đoàn các cấp, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân, các ngành liên quan mật thiết với mọi hoạt động của doanh nghiệp như ngân hàng, thuế, lao động - thương binh và xã hội…
QUÝ LÂM