Nếu coi cộng đồng doanh nghiệp (DN) là một cơ thể sống thì có thể nói, sức khỏe của cộng đồng DN cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang có vấn đề. Một cơ thể lắm bệnh tật, đang bị những căn bệnh kinh niên hoành hành và cần được giải cứu.
Trong số 14.387 DN đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố có 2.696 DN chờ giải thể, 1.007 DN không có địa chỉ kinh doanh, 477 DN sản xuất - kinh doanh và 179 DN đăng ký nhưng không hoạt động, tức khoảng 30% số DN rời khỏi thương trường. Đó là chưa nói đến những DN làm ăn thất bại nhưng vì nhiều lý do phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, cố kéo lết, chờ thời.
Vẫn biết rằng, việc hàng trăm DN ngừng hoạt động tác động đến kết quả thu ngân sách, hàng ngàn lao động mất việc làm, đời sống của công nhân vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bức tranh ảm đạm của sức khỏe DN còn nảy sinh nhiều hệ lụy khác về trật tự xã hội, văn minh đô thị mà thành phố đang gắng sức xây dựng.
Những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN phải đương đầu là thuốc thử sức đề kháng sự tồn vong của DN, của nền kinh tế. Thực tế đó buộc những nhà hoạch định chính sách phải tìm giải pháp nhằm tái cấu trúc lại nền kinh tế, các DN phải đưa ra được định hướng phát triển dài hạn và bền vững.
Không thể có một thành phố phát triển nếu DN ở đó lâm vào tình trạng đình trệ sản xuất, thua lỗ kéo dài. Đã đến lúc phải ra tay giải cứu DN, như một mệnh lệnh của cuộc sống. Nhưng để có đơn thuốc điều trị hiệu quả thì không phải là điều dễ dàng.
Nhìn tổng thể, kinh tế toàn cầu khủng hoảng tác động trực tiếp đến các DN trong nước. Với Đà Nẵng, các ngành kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ phát triển mạnh, nhưng 98% số DN có quy mô nhỏ và vừa. Quy mô DN nhỏ, vốn tự có ít, khả năng quản trị DN còn hạn chế… là những bất lợi trong cạnh tranh hiện nay. Thêm vào đó, phần lớn các DN hoạt động phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng nên khi có biến động về tài chính, kinh tế, đặc biệt là lạm phát, hoạt động DN lung lay vì chi phí đầu vào đội lên, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Để vượt qua những khó khăn, trước hết các DN phải tự cứu mình, DN phải nỗ lực vươn lên bằng chính năng lực của mình và sau đó là sự hỗ trợ từ Nhà nước. Trước mắt, các DN phải có kế hoạch chủ động nguồn vốn, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với năng lực, sở trường, hàng hóa đủ sức cạnh tranh.
Các DN cần rà soát lại nguồn vốn và mục đích sử dụng vốn vay. Cũng cần nói thêm rằng, tư tưởng ăn xổi ở thì đang đè nặng nhiều DN. Trong khi vốn sản xuất, kinh doanh thiếu, nhưng không ít DN sử dụng vốn vay sản xuất để đầu tư vào nhiều lĩnh vực nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhanh, chẳng hạn như bất động sản. Khi thị trường này “đóng băng”, các DN lao đao vì vốn bị chôn cứng.
Về phía Nhà nước, cần hỗ trợ mạnh mẽ DN về vốn. Ngoài các giải pháp hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng, ngân hàng cần nới rộng hơn các chính sách hâm nóng thị trường bất động sản, nhằm giải thoát một số lượng vốn sản xuất, kinh doanh bị các DN đầu tư vào đây. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thì việc giải cứu thị trường bất động sản như “con dao hai lưỡi”. Các DN cũng không quá kỳ vọng vào sự nương tay từ ngân hàng vì lường trước những rủi ro do tái lạm phát mà mức tín dụng bất động sản Ngân hàng Trung ương chỉ hạn chế ở mức 16% tổng dư nợ tín dụng.
Ngoài chính sách ưu đãi vốn tín dụng, Nhà nước cần hỗ trợ DN trong việc tiêu thụ sản phẩm. Do đình đốn của thị trường, lạm phát kéo dài, nên sức mua giảm, hàng hóa của các DN sản xuất không tiêu thụ được, gây tồn kho. Hệ quả là nguồn vốn không luân chuyển được, DN rơi vào vòng luẩn quẩn: vốn - sản xuất - tiêu thụ. Nhà nước cần hỗ trợ họ trong việc tiếp cận thị trường, giảm gánh nặng chi phí quảng bá sản phẩm, giới thiệu các kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước…
QUÝ LÂM