.

“Gửi lại mai sau”

“Gửi lại mai sau” là tên cuốn nhật ký chiến trường của tác giả Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang Nguyễn Minh Sơn, quê ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vừa được NXB Công an nhân dân phối hợp với Bộ Tư lệnh Biên phòng giới thiệu vào ngày 25-4. Cuốn sách được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2012) với niềm mong mỏi của những người sưu tầm, biên soạn Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” là gửi lại cho thế hệ trẻ truyền thống rất đỗi tự hào của dân tộc. Truyền thống đó cần được kế thừa, phát huy, nhân rộng khi đất nước đã qua 37 mùa hoa lịch sử và trong tiến trình hội nhập khu vực, quốc tế.

37 năm xây dựng và phát triển đất nước, cũng là 37 năm cả dân tộc Việt Nam tri ân những người đã ngã xuống và những người đóng góp một phần xương máu, công sức vì hòa bình, độc lập, vì hạnh phúc, ấm no ngày nay. Đã có rất nhiều câu chuyện về quá khứ hào hùng của những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” được kể với niềm tự hào, xúc động. Đã có rất nhiều nhân vật bước ra từ những trang nhật ký nhòe nét mực, từ những trang sách để sống mãi với quê hương, đất nước; tiêu biểu là các anh hùng - liệt sĩ được thế hệ thanh niên Việt Nam biết đến thời gian gần đây: Anh hùng - liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm, anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, liệt sĩ Hoàng Thượng Lân, liệt sĩ Hoàng Kim Giao, liệt sĩ Trần Duy Chiến (một người con của Quảng Nam và Đà Nẵng)…

45 năm sau ngày liệt sĩ Nguyễn Hải Trường hy sinh (30-7-1967), bản thảo nhật ký 290 trang ố vàng, nhàu nát mới được phát hiện, biên soạn và đến tay bạn đọc. Đó là những trang viết về nội tâm của một con người hy sinh ở tuổi 37 được tôi luyện trong khói lửa kháng chiến, trong đó có những khoảnh khắc đấu tranh quyết liệt giữa sự giả dối, cơ hội và trung thực; giữa sự hèn nhát và dũng cảm; giữa sự bi lụy và khí phách anh hùng…, nhưng trên hết là tinh thần lạc quan Cách mạng, niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tất cả những điều này góp phần lý giải tại sao những cán bộ Công an đi B có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. 45 năm là thời gian cho hành trình tìm lại sự thật, số phận của tác giả một cuốn sổ tay trong những năm tháng gian khổ. Và cuốn sổ tay ngày nào đã trở thành tài sản tinh thần vô giá mà liệt sĩ Nguyễn Hải Trường gửi lại cho con cháu và thế hệ hôm nay.

Nhà văn Đặng Vương Hưng, người biên soạn và giới thiệu nhật ký “Gửi lại mai sau”, cho rằng nếu như nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc là tâm sự của một thế hệ thanh niên trí thức trẻ ra trận, đã “Mãi mãi tuổi 20” trong kháng chiến chống Mỹ; thì nhật ký của Nguyễn Hải Trường đại diện cho tiếng nói của thế hệ đầu tiên Công an nhân dân vũ trang (lực lượng tiền thân của Bộ đội Biên phòng ngày nay), trọn đời sống, chiến đấu và hy sinh cho cả hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc…

Vậy là gia tài của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” cứ dày thêm. Vậy là thế hệ trẻ Việt Nam dịp 30-4 này hiểu rõ thêm về chặng đường lịch sử với hình ảnh người lính Công an nhân dân vũ trang “người trên lưng ngựa, ngựa trên lưng đèo”, tấm vải quàng vai, mũ bông biên phòng trên đường tuần tra; xuống dân làm công tác vận động quần chúng; kêu gọi những người lầm đường trở về với gia đình, với Cách mạng… Những người lính ngày ấy đã mãi mãi ra đi. Nhiều người không kịp để lại một trang thư, hay một dòng địa chỉ. Nhưng dù khó khăn, gian khổ; dù làm nhiệm vụ ở biên cương hay hải đảo xa xôi, các anh vẫn giữ giá trị, nhân cách sống, mang trong mình lý tưởng cách mạng, tình yêu đất nước, hạnh phúc lứa đôi và khát vọng hòa bình, độc lập.

Chẳng nơi đâu như đất nước Việt Nam nói chung và mảnh đất miền Trung nói riêng lại có quá nhiều người mẹ bao lần tiễn con đi và bao lần khóc thầm lặng lẽ đến thế. Chẳng nơi đâu như đất nước này lại có quá nhiều “cuộc chia ly màu đỏ” - những cuộc ra đi hóa thành bất tử đến thế. Cuộc kháng chiến chống Mỹ với ngày toàn thắng 30-4-1975 đã khép lại gần 40 năm và ngày càng lùi xa về thời gian, nhưng dấu ấn vẫn còn hiện hữu trong mỗi gia đình Việt Nam, đặc biệt là với các gia đình cựu chiến binh, những gia đình có thân nhân đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tất cả những tinh hoa của quá khứ đang thúc giục lớp trẻ tiếp bước, nhất là trong lúc thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hội nhập cùng khu vực và thế giới, nối liền khoảng cách giữa 2 bờ chiến tuyến năm xưa, hàn gắn những vết thương của chiến tranh. Dịp 30-4 năm nay đánh dấu chặng đường 37 năm - 37 năm để nhìn lại, 37 năm để tự hào, để rồi mỗi người con của Việt Nam đều phải tiếp tục nỗ lực vì một đất nước ngày mai.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.