.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Tình hình kinh tế thành phố được trình bày trong Báo cáo của Thành ủy tại Hội nghị lần 7 (mở rộng) được nhiều đại biểu tham dự quan tâm. Quý 1-2012, kinh tế thành phố cơ bản giữ được mức tăng trưởng nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với dự báo. Thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt 86% dự toán. Các nguồn có số thu lớn là thuế từ các doanh nghiệp và tiền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Hoạt động của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp, vận tải, xây dựng, bất động sản, xuất nhập khẩu đang đứng trước nhiều khó khăn về vốn, lao động, chi phí nguyên vật liệu…

Nguồn vốn vẫn luôn là nỗi ám ảnh doanh nghiệp. Tình hình lạm phát kéo dài và việc thắt chặt tín dụng của các ngân hàng thương mại đã gây nhiều khó khăn đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, 80% vốn hoạt động các doanh nghiệp trong nước là vay ngân hàng. Sự lệ thuộc về vốn của doanh nghiệp vào ngân hàng đã sinh ra nhiều điều phiền toái. Một nghịch lý là trong khi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điêu đứng vì lãi suất cao thì các ngân hàng thương mại lãi lớn. Thông tin trên Báo Thanh Niên ngày 5-4 cho thấy, năm 2011 Ngân hàng Công thương Việt Nam đạt mức lãi 13.296 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với 2010 (4.598 tỷ); Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam năm 2011 lãi 9.170 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (5.479 tỷ đồng)… Ngược với bức tranh sinh động này thì số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, thua lỗ trên cả nước ngày càng tăng, lên đến con số hàng chục ngàn. Riêng ở Đà Nẵng, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể trong những năm gần đây khoảng 4.000, trong 3 tháng đầu năm 2012, 36 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ có đơn xin ngừng hoạt động, giải thể. Đó là chưa tính những doanh nghiệp đang lao đao trước cơn bão giá nhưng vẫn bươn bả chống chọi chờ thời.

Đứng trước khó khăn về vốn của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất cho vay, nhưng thực tế lãi suất cho vay thương mại vẫn cao. Ở Đà Nẵng, mặc dù nhiều ngân hàng rục rịch hạ lãi suất, nhưng đầu tháng 4 này, bình quân lãi suất tín dụng vẫn ở mức 19,46%. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phi sản xuất thậm chí phải chịu mức lãi quá cao: 25%. Do lãi suất cao, nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn tạm ngừng hoạt động. Tình hình đó cộng với yêu cầu kiểm soát chặt chẽ cho vay của các ngân hàng khiến dư nợ tín dụng tăng trưởng rất dè dặt. Đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng, dư nợ cho vay vào khoảng 48.500 tỷ đồng, chỉ tăng 0,34% so với cuối năm 2011, dù mức tăng trưởng tín dụng được cho phép từ 15-17%/năm.

Dù  lãi suất vốn vay giảm được 1% nhưng cùng lúc, giá xăng dầu tăng khiến giá nguyên vật liệu, điện, cước vận tải tăng theo, áp lực chi phí đầu vào vẫn đè nặng lên doanh nghiệp.

Vật lộn với lãi suất, tiền lương người lao động và giá cả thị trường, các doanh nghiệp phải gánh thêm những chi phí không chính thức. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Thanh tra Chính phủ về kết quả nghiên cứu thực trạng doanh nghiệp, 58% trong tổng số 270 doanh nghiệp được khảo sát khẳng định chính mình là nạn nhân của tham nhũng, 13% doanh nghiệp cho rằng khoản chi phí không chính thức chiếm hơn 5% chi phí của doanh nghiệp. Không bàn đến tác động tiêu cực của nạn tham nhũng tràn lan đã, đang gây tác động xấu trong xã hội, nhưng đối với hoạt động doanh nghiệp, tỷ lệ chi phí phong bao, tiệc tùng chiếm 5% chi phí đầu vào là một trong những nguyên nhân khiến mục đích phát triển doanh nghiệp “đứt gánh”.

Thị trường đã xác lập mặt bằng giá mới, cao hơn. Các loại chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, tiền công, chi phí các dịch vụ hỗ trợ đều tăng so với trước. Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phải có sự phối hợp đều tay giữa chính quyền, ngân hàng và doanh nghiệp. Về phía ngân hàng, cần sớm chấn chỉnh tình trạng “tín dụng méo mó”, mở rộng hơn nữa đối tượng cho vay, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân; nới rộng các quy định cho vay để nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Về lãi suất, dù diễn biến thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất an, nhưng cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, mặt bằng lãi suất hiện vẫn rất cao so với mức chịu đựng của doanh nghiệp. Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, trước hết cần hạ lãi suất tín dụng ngân hàng.

TƯỜNG VY

;
.
.
.
.
.