Mỗi cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị thực tiễn, nhưng chưa có cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng nào lại có nội dung và mang tính cấp bách, được nhân dân kỳ vọng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI lần này. Nghị quyết chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội…”. Nếu Đảng không chủ động nhận dạng những yếu kém để chỉnh đốn thì hậu quả rất khôn lường, liên quan đến vận mệnh của Đảng, của chế độ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu cần làm rõ: “Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao chưa được đẩy lùi…”. Điều dễ nhận thấy là bên cạnh số đông nhân dân, cán bộ, đảng viên tin tưởng vào tính khả thi của Nghị quyết, vẫn còn một số ít bộ phận nhân dân tỏ ra băn khoăn. Băn khoăn đó không phải không có cơ sở, bởi nếu Đảng không có những biện pháp quyết liệt, cán bộ chủ chốt không gương mẫu thì kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không đạt như ý muốn. Trong Nghị quyết này có nhiều vấn đề đáng quan tâm như đột phá vào chống quan liêu, tham nhũng và chủ nghĩa cá nhân thực dụng - hai vấn đề nổi cộm gắn kết chặt chẽ với nhau. Đây là căn nguyên sâu xa, trực tiếp làm suy thoái một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Quan liêu, tham nhũng đang có xu hướng gia tăng, với tính chất tinh vi phức tạp, nguy hiểm liên quan đến một số cán bộ có chức có quyền, liên quan đến “lợi ích nhóm”. Việc cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ các chức vụ trong bộ máy Nhà nước, các lĩnh vực kinh tế; “nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước; đó là môi trường để cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển” (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI). Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “Có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét…, có dịp “dĩ công vi tư”. Hậu quả của tham nhũng không chỉ làm suy kiệt tài sản, tiền bạc của đất nước mà còn làm lệch chuẩn bản lĩnh, phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên và nguy hại hơn là sự tiếp sức cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có lợi cho chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các lực lượng thù địch. Chủ nghĩa cá nhân là “thứ giặc” trong lòng, dễ dàng đưa người ta đi xuống dốc, xa rời những chuẩn mực của đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh đã cảnh báo “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Để khắc phục tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Cần nắm vững Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XI, nhất là tổ chức quán triệt, nắm vững mục đích, yêu cầu, phương châm, cách làm của Nghị quyết. Tổ chức tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Điều quan trọng sau khi kiểm điểm, tự phê bình, từng tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải xây dựng chương trình hành động phấn đấu, rèn luyện, tích cực khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm, sai phạm được tổ chức, đảng viên chỉ ra. Định kỳ kiểm tra, giám sát thực hiện phương hướng, nhiệm vụ đó sát hợp với thực tiễn từng cơ quan, đơn vị để rút kinh nghiệm. Để cuộc vận động đi vào thực chất, có chiều sâu, tạo chuyển biến thật sự, cần nắm vững chỉ dẫn của Bác: “Chỉnh Đảng phải làm từng bước, phải có trọng tâm… Chỉnh đốn tư tưởng trước rồi mới chỉnh đốn tổ chức. Chỉnh huấn cán bộ cao cấp phải do Trung ương trực tiếp lãnh đạo vì đó là mấu chốt của việc chỉnh đốn toàn Đảng”.
- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Ngoài việc giáo dục nâng cao nhận thức chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, còn phải coi trọng giáo dục ý thức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Cán bộ, đảng viên phải luôn coi trọng xây dựng lối sống giản dị, gần gũi, gắn bó với nhân dân, không xa hoa lãng phí. Từng tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ để lượng hóa yêu cầu tiêu chuẩn đạo đức phù hợp với từng ngành, lĩnh vực để cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện. Hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên cần đối chiếu hệ giá trị tích cực - tiêu cực; tốt - xấu; cao thượng - thấp hèn để hoàn thiện nhân cách.
- Duy trì và thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình. Đây là yêu cầu thường xuyên đối với các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, giúp họ phát huy ưu điểm, phòng tránh các khuyết điểm, sai phạm. Khi phê bình phải công tâm, khách quan, có động cơ trong sáng. Cần chú ý xây dựng văn hóa phê bình để lay động lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên thành khẩn thừa nhận khuyết điểm để phấn đấu rèn luyện tốt hơn. Đồng thời, cán bộ cao cấp phải nêu gương sáng về tự phê bình và phê bình.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, để ngăn chặn tham nhũng, suy thoái. Cán bộ, công tác cán bộ là then chốt của khâu then chốt. Khi đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm sẽ thúc đẩy nhiệm vụ chính trị, hạn chế được những tiêu cực.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với xử lý kỷ luật nghiêm minh; đồng thời tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp cần hướng vào kiểm tra, những điểm nóng, những nơi dễ phát sinh vi phạm. Khắc phục tình trạng né tránh, buông lỏng, có “vùng cấm” trong công tác kiểm tra, giám sát. Xử lý kỷ luật nghiêm minh để vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, vừa bảo đảm tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng. Sức mạnh của Đảng chính là gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong công tác xây dựng Đảng cũng như cuộc đấu tranh chống các loại “quốc nạn” hiện nay, một vũ khí không thể thiếu là sức mạnh của công luận và tiếng nói tâm huyết, chân thành của nhân dân.
“Một Đảng giấu diếm khuyết điểm là một Đảng hỏng” - lời nhắc nhở cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cho toàn Đảng, cán bộ, đảng viên phải luôn coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, để Đảng ta luôn luôn ở tầm cao của văn hóa, “đạo đức, văn minh”, trong sạch, vững mạnh, trường tồn vai trò lãnh đạo đối với đất nước, dân tộc.
NGUYỄN THẾ TƯ