.

Không thể tham gia giao thông theo... “lệ”!

Vào dịp này năm ngoái, chúng tôi - một nhóm du khách khoảng 20 người ở Đà Nẵng - đã có chuyến du lịch Thái Lan. Còn nhớ sáng hôm đó, xe chở chúng tôi từ Bangkok đi Pattaya với đoạn đường dài gần 150km nhưng chỉ chạy hơn 1 giờ 30 phút. Nhìn đồng hồ xe chạy có lúc lên đến 100km/giờ, một thành viên trong đoàn đã buột miệng: “Biết khi mô xe cũng chạy được tốc độ như ri ở Đà Nẵng!”. Ngay lập tức câu chuyện tốc độ xe trên đất Thái trở thành đề tài rôm rả của cả nhóm. Nói tới nói lui, cuối cùng mọi người cũng cùng chung suy nghĩ: “Xe chạy làn mô ra làn nớ, tốc độ 100km/giờ thì cũng cả chục năm nữa Đà Nẵng mới làm được”. Còn anh hướng dẫn viên du lịch người Thái Lan vui vẻ góp chuyện: “Em đi Đà Nẵng rồi, đường Đà Nẵng cũng to, đẹp đâu kém gì đường ở Thái Lan. Đà Nẵng chỉ cần phân làn cho ô-tô và xe máy đi riêng là được thôi”...

Không đợi 10 năm như chúng tôi dự đoán, chỉ tròn một năm sau, cụ thể là từ ngày 1-4 vừa qua, nhiều đường phố Đà Nẵng đã trật tự, văn minh hẳn nhờ “xe chạy làn mô ra làn nớ”. Quả thật, câu chuyện phân làn xe đã trở thành đề tài bàn luận của người dân thành phố suốt một tháng qua, từ công sở đến các quán cà-phê vỉa hè, thậm chí còn len vào các chợ. Nhìn chung người dân đều ủng hộ, vì họ cho rằng đi xe phân làn sẽ tránh được tình trạng “bỏ trứng chung vô một giỏ”, nhất là khi có tai nạn giao thông xảy ra. Nói vậy, nhưng nhiều người cũng hoài nghi rằng không dễ làm được, vì dân mình quen đi theo “lệ” chứ mấy ai chịu đi theo “luật”, mà “lệ” thì ăn sâu vào tâm thức và không dễ gọt bỏ. Vậy mà giờ đây đi trên những tuyến đường được phân làn, chắc hẳn ai cũng phải công nhận rằng, khi tham gia giao thông thì trên hết phải theo “luật”, còn những người cứ theo “lệ” thì chịu khó nộp phạt 90.000 đồng đối với mô-tô và xe gắn máy, và 700.000 đồng đối với ô-tô.

Thực tế, trong 2 ngày qua, vẫn có người khi tham gia giao thông thích “xé luật” và đi theo “lệ”. Minh chứng là chỉ trong ngày đầu tiên ra quân, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử phạt đến 1.024 trường hợp vi phạm. Thế nhưng, bước sang ngày thứ hai, số người thích đi theo “lệ” đã giảm còn dưới 200 trường hợp. Một dấu hiệu rất tích cực đã được phát đi!

Việc phân làn xe là cách tổ chức giao thông không mới và đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện hiệu quả. Tại Đà Nẵng và nhiều thành phố lớn trên cả nước, những người làm lĩnh vực giao thông cũng nhiều lần nghĩ đến việc này, nhưng khi đưa vấn đề ra bàn thì đành xếp lại vì hạ tầng chưa cho phép và có cả nhiều ý kiến cho rằng không dễ gì người dân chịu đi đúng làn quy định. Song, Đà Nẵng lại thực hiện được điều này. Nhìn qua thì kết quả đến có lẽ nhanh và dễ dàng, nhưng để có thể phân làn, Đà Nẵng đã đi cả chặng đường dài để đầu tư cho hạ tầng giao thông lẫn công tác tuyên truyền. Từ chỗ chỉ có vài trăm con đường, chủ yếu là đường có mặt cắt nhỏ hơn 15 mét, thành phố hiện có gần 1.300 con đường có tên, trong đó đường có mặt cắt từ 20 mét trở lên (đủ điều kiện để phân làn) cũng lên đến gần 300 con đường. Đó chính là điều kiện vô cùng quan trọng để thời gian tới có thêm nhiều tuyến đường được tổ chức phân làn, để “xe chạy làn mô ra làn nớ”. Dĩ nhiên khó có thể nâng tốc độ xe chạy lên 100km/giờ với các tuyến đường nội thành, nhưng quan trọng hơn là tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông sẽ giảm rõ rệt.

Thêm một lần nữa Đà Nẵng chứng minh khi chủ trương đúng, được thực hiện một cách khoa học, thì người dân sẽ ủng hộ, mặc dù rất nhiều người cho rằng giao thông Việt Nam, nhất là ở những thành phố lớn, đã “hết thuốc chữa”!

LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.