Sau thời gian có vẻ tạm lắng, đến nay, nạn cò kéo du khách tại Đà Nẵng lại tiếp tục bị phản ánh trên một số phương tiện thông tin. Chuyện cò kéo vẫn thường được đặt lên bàn các hội nghị về du lịch của Đà Nẵng, và một số người nói trong xót xa rằng đó là “nỗi nhục quốc thể”.
Không xót xa sao được, khi đa số người dân Đà Nẵng vẫn luôn nỗ lực cho một thành phố an bình, thân thiện, thì một số người vin vào lý do mưu sinh đã khiến du khách phải sợ, phải “né”. Việc nhiều chị bán đồ mỹ nghệ cứ bưng mẹt chạy theo du khách, hay anh xe ôm kỳ kèo giá cả với người nước ngoài ở góc phố, rồi không ít “tay cò” đi theo khách vào taxi hoặc cửa hàng để chia phần trăm… là những hình ảnh không hề hiếm gặp, làm khó chịu bất kỳ ai nhìn thấy, nhất là vào những ngày có nhiều khách du lịch tàu biển cập cảng Tiên Sa.
Các lực lượng chức năng cần nỗ lực hơn nữa và có giải pháp dứt khoát, hiệu quả hơn để giải quyết triệt để tình trạng trên. Nhưng suy cho cùng, chính ý thức của người dân là quan trọng nhất. Vừa trở về sau khai mạc Festival Huế 2012, ngoài những dư âm của lễ hội, bản thân tôi còn chút lưu luyến về cách đối xử ôn hòa của người Huế đối với du khách, khác biệt hoàn toàn so với vài năm trước. Tất nhiên, sau những kêu ca, phàn nàn của du khách trong và ngoài nước trong những năm trước đây, chính quyền cố đô đã có những điều chỉnh kịp thời để Huế giữ lại được vẻ kinh kỳ. Nhưng có lẽ, chính người dân Huế ý thức rằng, họ sẽ không được lợi gì nếu tiếp tục chèo kéo và giữ thái độ không thân thiện với du khách. Trong dịp Festival, hầu như tất cả người Huế đều làm du lịch, từ anh lái taxi, xích lô, nhân viên lễ tân đến người buôn bán, kinh doanh dịch vụ đều rất nhẹ nhàng, đằm thắm. Vì không có cảnh đeo bám phiền toái nên rất nhiều du khách nước ngoài có thể thong dong đi lại trên mọi nẻo đường. Khi được thoải mái, an toàn, du khách có thể tự do mua sắm, vui vẻ bỏ tiền túi ra chi trả cho dịch vụ mà người dân sở tại không cần phải tìm cách “móc”.
Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, các lực lượng như Công an, trật tự đô thị và Đội trật tự du lịch thuộc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng đã hoạt động khá tích cực để hạn chế tình trạng cò kéo. Một khi người dân không tự ý thức thì các lực lượng này có thể đưa họ ra khỏi những khu vực giới hạn. Tuy nhiên, chỉ với quyền hạn “nhắc nhở là chính”, Đội trật tự du lịch, lực lượng chính trong công tác này không thể làm gì hơn, không có chế tài gì để những người cò kéo sợ mà tránh xa. Những người bán hàng rong, những “tay cò” có “nể nể” thì lảng đi chỗ khác. Còn không thì việc các trật tự viên bị chửi bới, hăm dọa là chuyện thường (!?).
Cò kéo du khách là thực tế đã tồn tại quá lâu mà chưa có giải pháp triệt để, cũng giống như nạn chợ cóc, chợ tự phát, làm đau đầu các ngành chức năng. Trong những hoạt động mang tính tự phát và lộn xộn như vậy, lẽ ra địa phương và cơ quan quản lý ngành phải phát hiện ngay khi có một, hai trường hợp manh nha, để hai không thành ba, thành mười, thành trăm… Ngay từ đầu, nếu quản lý tốt, có lẽ các bên sẽ không phải tiếp tục điệp khúc “không thể làm xuể”, không mất công nghị bàn, hội họp, lập các đội, ban vất vả “dẹp loạn”!
PHONG KHÁNH