Trong đêm khai mạc Năm du lịch quốc gia các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ và Festival Huế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu đánh giá những thành tựu mà ngành du lịch nước ta đạt được trong năm 2010-2011; đồng thời đề ra những nhiệm vụ cấp bách cho ngành du lịch phải thực hiện trong năm 2012, để đưa ngành công nghiệp không khói này nhanh chóng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm và chất lượng, hiệu quả; phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò liên kết để triển khai xúc tiến thương mại, quảng bá, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch của từng địa phương, của cả vùng trở thành điểm đến mang tầm vóc khu vực và quốc tế.
Liên kết nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương là vấn đề còn nhiều hạn chế của các cơ quan quản lý Nhà nước, của các đơn vị làm du lịch trong những năm qua, khiến hoạt động du lịch chưa thoát tình trạng cát cứ, mạnh ai nấy làm, hiệu quả thấp, chưa tạo được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong việc quảng bá hình ảnh, tạo ra các sản phẩm du lịch, để mỗi chuyến đi của du khách trong nước cũng như quốc tế đều cảm nhận được sự chuyên nghiệp và hài lòng không chỉ ở một điểm đến mà tất cả các điểm đến. Lối hành xử khách anh - khách tôi; hay suy nghĩ địa phương tôi có sản phẩm du lịch tốt không nơi nào khác có được; hoặc tình trạng cứ vắng khách thì mời chào hạ giá, đông khách thì giở trò “chặt chém” vô tội vạ làm du khách sợ hãi… Trên các trang mạng, một số du khách không ít lần so sánh rằng, tại nơi này thì họ cảm thấy hài lòng; còn nơi khác thì chao ôi, không thể nào tưởng tượng nổi vì lối hành xử không chuyên nghiệp, thậm chí vô văn hóa của những người làm du lịch. Có một nguyên nhân cốt lõi của sự thiếu liên kết mà không mấy ai, từ nhà quản lý đến người làm du lịch và cả người dân thấy được, đó là phải luôn cùng nhau đứng ở góc độ chung để phục vụ du khách vì thương hiệu du lịch Việt và vì sự phát triển bền vững của đất nước, chứ không vì lẽ này lẽ khác để rồi tạo ra ấn tượng không đẹp trong lòng du khách. Nhưng để làm được điều đó quả là chuyện không dễ!
Vài năm gần đây, đi đôi với sự liên kết kinh tế nói chung ở các vùng như Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc…, hoạt động du lịch có dấu hiệu đi theo chiều hướng liên kết tổ chức các sản phẩm du lịch. Nhiều tour du lịch mở ra theo vùng, theo cụm, theo chuỗi sự kiện, theo tuyến như “Con đường di sản”, “Du lịch sông nước Nam Bộ”, “Du lịch biển miền Trung”… đã bắt đầu thu hút được nhiều khách trong nước và quốc tế tham gia. Riêng với Đà Nẵng, thành phố đang chuẩn bị cho Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế và Cuộc thi dù bay quốc tế…, cùng một số hoạt động phụ trợ. Khách đến Đà Nẵng thưởng thức các màn trình diễn pháo hoa vào ban đêm, thì ban ngày có thể lên Bà Nà cảm nhận sự thi vị của cái lạnh se se; hay xa hơn tham quan cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn; hoặc sau đó có thể mở tiếp hành trình ra thưởng ngoạn sự huyền bí của hang động Quảng Bình, hay Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn…
Để làm đúng như tinh thần của Thủ tướng yêu cầu là đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp, hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng có sức cạnh tranh cao là bài toán không dễ dàng cho các nhà quản lý, các địa phương và các đơn vị làm du lịch ở nước ta. Đối với khu vực duyên hải Trung Bộ, năm 2011, lãnh đạo các địa phương đã ngồi lại và quyết định hình thành cụm liên kết kinh tế. Đây là nhân tố quan trọng cho sự liên kết du lịch. Vấn đề còn lại là cách làm và hiệu quả tùy thuộc vào những đơn vị, cá nhân liên quan và cả người dân trong thời gian tới, mà mùa du lịch năm 2012 là sự khởi động đầu tiên cho mục tiêu liên kết.
TUYẾT MINH