Tôi tán thành cách đặt vấn đề của tác giả Quý Lâm khi cho rằng: “Đã đến lúc phải ra tay giải cứu doanh nghiệp, như một mệnh lệnh của cuộc sống. Tuy nhiên, để có đơn thuốc điều trị hiệu quả thì không phải là điều dễ dàng” (“Giải cứu doanh nghiệp”, Báo Đà Nẵng, ngày 19-4-2012). Hay nói khác, việc phân tích, đánh giá chuẩn xác tình hình, lựa chọn giải pháp phù hợp, ra tay đúng thời điểm và đủ liều lượng cần thiết sẽ là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của chủ trương này.
Có một số quan điểm mang tính nguyên tắc cần thiết phải nhấn mạnh trước khi đặt ra vấn đề giải cứu doanh nghiệp. Trước hết, chủ trương giải cứu doanh nghiệp không được phép thoát ly và càng không thể để phát sinh những mâu thuẫn đối kháng với định hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Trước tình hình một số doanh nghiệp bị giải thể, ngừng hoạt động, dừng nộp thuế... phần lớn vì những lý do nội tại của chính mình thì nên xem đó là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế, là một phần cái giá phải trả cho cuộc chiến chống lạm phát. Trước mắt, sẽ có nhiều người lao động bị mất công ăn việc làm và thu nhập, đời sống sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, xét toàn cục, ảnh hưởng của tác động này là không lớn và chỉ mang tính ngắn hạn nếu so với những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài về kinh tế - chính trị - xã hội một khi lạm phát không được kiểm soát như mong muốn.
Thứ hai, vấn đề giải cứu doanh nghiệp cũng không được phép tách rời chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế đi đôi với đổi mới mô hình tăng trưởng. Mục tiêu tái cấu trúc nhằm hướng đến xây dựng mô hình phát triển mới, trên nền tảng chất lượng và hiệu quả cao, đòi hỏi phải kiên trì, kể cả chấp nhận những đổ vỡ và tổn thất, nhằm xử lý tận gốc những khuyết tật vốn dĩ thâm căn cố đế trong nền kinh tế: (1) Tăng trưởng chủ yếu dựa vào mở rộng đầu tư vốn, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ thay cho cải tiến quản trị, tăng năng suất, hiệu quả và đổi mới công nghệ; (2) tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dàn trải, chạy theo số lượng thay cho chiến lược đầu tư chiều sâu kết hợp với phát huy lợi thế so sánh của từng vùng kinh tế và toàn bộ nền kinh tế nhằm giữ vững vị thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế; (3) động lực của thể chế kinh tế (thị trường/ Nhà nước/ doanh nghiệp) nhằm hỗ trợ tăng trưởng vẫn chưa được hoàn thiện theo hướng pháp quyền, hiện đại, công khai, minh bạch và hiệu quả. Cần lưu ý rằng, nếu muốn đổi mới mô hình tăng trưởng thì cần thiết phải tư duy lại chỉ số GDP, không có nghĩa GDP càng cao là càng tốt?
Thứ ba, cần tiến hành ngay những giải pháp để có thể tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp. Ưu tiên hàng đầu là các giải pháp về vốn và lãi suất, điều kiện tiên quyết là giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần có thái độ thiện chí, hợp tác chặt chẽ với nhau, công khai rõ thực trạng tình hình để cùng tìm ra hướng xử lý như: cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi quá hạn, giảm nhanh lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực ưu đãi theo định hướng chung, tiếp tục đầu tư thêm vốn cho những công trình dự án dở dang bảo đảm có hiệu quả và khả năng thu hồi nợ, mở rộng hình thức phương thức mua bán nợ, xử lý rủi ro đối với các doanh nghiệp phải sắp xếp lại, giải thể, phá sản... Giải pháp hỗ trợ tài chính về miễn giảm thuế, giãn nợ thuế nội địa và xuất nhập khẩu… cũng rất quan trọng trên cơ sở phân loại đánh giá đúng thực trạng, uy tín của từng doanh nghiệp để đề xuất phù hợp. Thời điểm hiện nay cần cân nhắc thận trọng, tránh đề xuất các chính sách làm tăng phí tổn xã hội nói chung, chi phí sản xuất kinh doanh nói riêng nhằm góp phần giảm tải khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Có thể khẳng định, nền kinh tế nước ta chỉ mới bước vào giai đoạn đầu của tiến trình tái cấu trúc. Những khó khăn, thử thách thật sự khắc nghiệt vẫn còn ở phía trước. Đây cũng là giai đoạn phát sinh, đan xen nhiều mâu thuẫn, vướng mắc, kể cả bức xúc về quan điểm lý luận và thực tiễn, qua đó trăn trở tìm hướng đi mới cho nền kinh tế. Cần xác định rằng, khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn của toàn bộ cộng đồng xã hội. Thái độ đúng đắn nhất lúc này là cần bình tĩnh, kiên định với mục tiêu đã đề ra, tập trung sức tháo gỡ vướng mắc có trọng tâm, trọng điểm. Hơn lúc nào hết cần đề cao tinh thần phát huy nội lực, hợp tác, vượt qua khó khăn không chỉ trong cộng đồng doanh nghiệp nói riêng mà cả trong toàn bộ các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội nói chung.
TÂM DÂN