.

Phải truy từ gốc

Trong tháng cao điểm ngăn chặn, xử lý tình trạng xin ăn biến tướng, bán hàng rong, chèo kéo du khách vừa qua, Đà Nẵng đã nhắc nhở, cảnh cáo gần 600 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định, sử dụng người khuyết tật để bán hàng rong... Với con số khá ấn tượng đó, Đà Nẵng tiếp tục là địa phương đáng chú ý trong việc thực hiện cải cách xã hội và làm trong sạch môi trường sống. Nhưng vấn đề đặt ra là: Đà Nẵng sẽ duy trì được kết quả này, hay mọi thứ chỉ đang âm thầm “ém” xuống để chờ cơ hội “bùng” lên, khi tháng cao điểm qua đi, các lực lượng chức năng không còn ra quân, không kiểm soát gắt gao nữa?

Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói, khi người dân ở nhiều tỉnh, thành phố khác cùng đổ về Đà Nẵng bán hàng rong, xin ăn…, thì đó là lẽ thường tình của “đất lành chim đậu”. Khi nào xã hội còn người nghèo, tất cả người dân chưa được chu toàn cuộc sống, thì khi đó, nạn xin ăn, hàng rong… vẫn còn làm đau đầu nhiều nhà quản lý. Cách đây không lâu, khi tham gia đoàn gồm các cơ quan báo chí, lữ hành từ Đà Nẵng khảo sát du lịch tại một số tỉnh vùng Đông Bắc và Bắc Thái Lan, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người xin ăn, hoặc những người đàn violon, múa hát… rong kiếm tiền một cách trật tự ở dọc lối vào của các chợ đêm náo nhiệt. Họ không mở lời xin, khá nhiều du khách như chúng tôi bỏ vào nón của họ chút ít tiền một cách chân thành và không miệt thị. Chúng tôi tin rằng, khi người nghèo bất đắc dĩ phải ra đường xin ăn và sống cầu may, họ không đáng bị phán xét như những người có tội, nếu họ không chủ tâm đến những khu, điểm du lịch kì nèo van nài, xin ăn một cách phản cảm, gây khó chịu cho người khác.

Hẳn nhiên, vốn mong muốn xây dựng thành phố văn minh, thân thiện, an bình, Đà Nẵng không khuyến khích bất kỳ loại hình nào tương tự như trên, bất chấp nguyên nhân gì đi chăng nữa. Nhưng một khi đã kiên quyết dẹp bỏ, nhất định các lực lượng chức năng của thành phố đã tinh ý và mạnh tay hơn trong việc tìm cách giải quyết vấn nạn này từ gốc, chứ không chỉ là ngăn chặn, nhắc nhở hành vi xin ăn, bán hàng rong, chèo kéo tại các điểm du lịch, chùa chiền, chợ búa… Cách đây vài năm, thành phố Hồ Chí Minh đã rộ lên hiện tượng chăn dắt trẻ em, người già xin ăn, gây phẫn nộ trong dư luận. Và nay, tại Đà Nẵng, nhất là vào dịp hè, có rất nhiều trẻ em, cụ già, người khuyết tật đáng thương bị những người tự xưng là “cha mẹ”, là “dì ruột”, “con ruột”… dẫn đi khắp nơi, lăn lộn trong các quán cà-phê, quán nhậu đến tận khuya bán vé số, kẹo cao su, đĩa nhạc…, đánh động lòng trắc ẩn của người khác để bán được thật nhiều hàng. Đà Nẵng sẽ được biết đến như một “thành phố lương tri”, nếu có thể bảo vệ được những người nghèo khỏi bàn tay chăn dắt của kẻ xấu.

Trong khi đó, nhiều người khác, không phải vì nghèo mà xin ăn biến tướng, chèo kéo bán hàng rong tại các “điểm nóng” du lịch. Nếu những người này không có “máu mặt”, không kết bè hoạt động theo một hệ thống, có lẽ họ đã không dám hung hăng đe dọa các cơ sở kinh doanh dịch vụ phản ánh với cơ quan chức năng, thậm chí chửi bới cả các cán bộ làm nhiệm vụ mà không chút kiêng dè. Táo tợn hơn, nhiều tay còn chặn cả những người đi đường để xin “ít tiền về xe”. Nếu truy tận gốc, xử lý mạnh tay các đối tượng “đầu não” này, mới mong giải quyết thật hiệu quả tình trạng ăn xin biến tướng mà không gặp phải cảnh lặp đi lặp lại, dẹp hoài không hết như nhiều vấn nạn khác.

TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.