Sau nhiều đợt thanh tra, kiểm tra khách sạn (KS) trên địa bàn thành phố, Sở VH-TT&DL xác định: Hóa ra cơn sốt phòng trong dịp pháo hoa không hoàn toàn đúng như lời các chủ KS và hãng lữ hành nói. Trừ các KS ở những khu vực đắc địa, thuận tiện cho việc xem pháo hoa trên các tuyến đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng…, không ít KS vẫn trống hơn nửa số phòng.
Khi Sở VH-TT&DL mời các đơn vị làm du lịch ngồi lại, 2 bên đưa ra nhiều thông tin mà nếu không ở trong nghề thì sẽ không mấy ai biết được. Nhiều KS phản ánh rằng, từ trước Tết Nhâm Thìn, một số hãng lữ hành “gom” phòng với giá rẻ, và chờ dịp pháo hoa tung ra bán với giá cao gấp nhiều lần. Cách đây không lâu, người viết cũng nhận được các email quảng cáo bán phòng giá cao trong dịp pháo hoa của 2 công ty lữ hành có tiếng. Nhưng để đánh lạc hướng dư luận, chính họ lại lên tiếng công kích các KS không chịu bán phòng cho mình. Bằng cách đó, các hãng lữ hành đã tạo nên cơn sốt ảo thứ nhất.
Đến lượt mình, không ít KS vin vào quy định “chỉ được bán trên mức giá công bố 30%” đã tự xây dựng giá công bố rất cao để nâng giá lên một cách hợp pháp. Không bán cho công ty lữ hành vì sợ “mang tiếng”, sợ “lộ” hoặc bán rất ít, các KS - nhất là KS từ 3 sao trở xuống dành phòng lại để bán cho khách lẻ với giá cao ngất ngưởng. Đó là cơn sốt ảo thứ hai.
Chính từ phản ánh của khách đi đặt phòng, Thanh tra Sở VH-TT&DL đã xử phạt rất nhiều KS bán giá cao hơn niêm yết. Nhiều người cho rằng, Hiệp hội KS Đà Nẵng đã không thể hiện được vai trò của mình khi để cho giá phòng tùy hứng tung tẩy. Bởi giá như các thành viên của Hiệp hội này có thể ngồi lại để đưa ra mức giá công bố tối đa hợp lý, thì báo chí trong thời gian qua đã không thể tìm ra chỗ sai của các KS lớn, nhỏ trong thành phố khi họ nâng giá quá cao như vậy.
Giải thích cho hành động tăng giá và “ép” lữ hành, các KS nói rằng họ hoàn toàn có lý, khi vào mùa mưa, các hãng lữ hành cũng “ép” họ không thương tiếc, thậm chí còn trả giá thấp hơn cả giá thấp nhất mà KS xây dựng cho mùa thấp điểm. Vấn đề được đặt ra là: Phải chăng thay vì “bắt tay” để kinh doanh hiệu quả và cùng xây dựng thương hiệu du lịch bền vững, lữ hành và KS - hai đối tượng chính của ngành du lịch - lại đang cố chèn ép, giành quyền lợi cho riêng mình, để rồi tự triệt tiêu nhau?
Những cơn sốt ảo đã gây nên hệ quả không tránh khỏi: Du khách đang dần chuyển hướng đi trong dịp 30-4 và 1-5 này. Đại diện một hãng lữ hành lớn như Vitours, đơn vị thường đứng đầu về khai thác khách đến Đà Nẵng xem cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế đã than phiền: Chưa có dịp pháo hoa nào mà lượng khách ít như năm nay. Công ty này chỉ mới khai thác được hơn nửa số khách dự kiến. Trong khi đó, các năm trước, đến thời điểm này, họ đã “khóa sổ” vì không còn đủ dịch vụ để cung ứng cho lượng khách liên tục đặt chỗ. Thay vì chọn Đà Nẵng, rất nhiều du khách nội địa, nguồn khách mang lại doanh thu lớn hằng năm cho du lịch Đà Nẵng, chọn Nha Trang, Mũi Né... để tránh căng thẳng dịch vụ và giá cao.
Cách đây vài tháng, một người đầy kinh nghiệm trong ngành du lịch cảnh báo: Nếu tiếp tục tình trạng “chặt chém”, du khách sẽ bỏ Đà Nẵng như trường hợp Đà Lạt, Vũng Tàu... trước đây. Vì không có được nguồn khách lẻ như mong đợi, các KS hiện nay lại “nhả” phòng dần dần với giá mềm hơn. Có lẽ, cũng không còn sớm để các doanh nghiệp KS sửa sai, nhưng muộn còn hơn không. Từ nay, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát gắt gao hơn, không chỉ trong lĩnh vực lưu trú, mà còn trong các lĩnh vực khác như ăn uống, vận chuyển, giữ xe..., mới mong giữ lại hình ảnh du lịch Đà Nẵng không chỉ trong dịp pháo hoa, mà còn cho cả chặng đường sau này.
HẰNG VANG