Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện tại, hơn 4.100 DN vừa và nhỏ đã phá sản hoặc tạm dừng hoạt động. Một số lớn hơn các DN đang hoạt động trong tình trạng trì trệ, đình đốn, thu hẹp hoạt động sản xuất, thậm chí tạm ngưng sản xuất. Rất nhiều DN rơi vào cảnh nợ xấu, nợ quá hạn nên không tiếp cận được nguồn vốn. Lãi suất ngân hàng quá cao, các DN gần như kiệt sức. Lượng hàng tồn kho liên tục tăng, chi phí đầu vào quá cao, trong khi đầu ra khó tăng lên. Thêm vào đó, thu nhập thực tế của người dân giảm sút do đồng tiền mất giá, phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” khiến sức mua giảm sút nghiêm trọng. Rồi hàng Trung Quốc tràn ngập vào Việt Nam với giá rẻ, mẫu mã đẹp thật sự bóp chết rất nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam.
Khó khăn nổi bật của DN vừa và nhỏ của thành phố Đà Nẵng hiện nay là qua một trận ốm kéo dài bị tổn thương nặng, không còn đủ sức để hấp thụ nguồn vốn mặc dù đang bắt đầu có chút ít hạ nhiệt lãi suất. Theo dự báo của các Hiệp hội DN trên địa bàn thành phố, mặc dù thành phố có chính sách mở, giảm điều kiện để hỗ trợ DN có uy tín tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất từ 13-14%, nhưng số DN có nhu cầu vay cũng không nhiều. Mức lãi suất này trong điều kiện hiện nay vẫn còn cao đối với các DN vay vốn đầu tư. Một số ít DN cần tìm vay vốn lưu động phục vụ thanh khoản và kéo dài sự sống của đơn vị. Nhưng quan trọng hơn, đa phần DN đang mất đi hào khí, co cụm lại và bị động do thiếu tin tưởng ở chính sách và điều hành vĩ mô dẫn đến không tin tưởng vào chính mình. DN đang mất phương hướng vì môi trường kinh tế thiếu ổn định. Tình trạng này thật sự đáng quan ngại!
Trong khi báo cáo của Bộ Công thương về hàng tồn kho của DN trong quý I-2012 tăng cao, thậm chí có ngành tồn kho tăng đến gần 63%, thì trong báo cáo tình hình tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cùng kỳ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng tăng trưởng âm 1,96%. Hai con số này phản ánh DN chưa thật sự cần vốn để sản xuất trong điều kiện hiện nay vì hàng tồn kho còn nhiều. Hay nói chính xác hơn, tình trạng tồn kho không chỉ đang xảy ra với DN mà với cả ngân hàng. Như vậy, việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất cho vay 15% với 4 nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định (khoảng 30% DN vừa và nhỏ) mới chỉ là giải pháp cứu ngân hàng chứ chưa phải là giải pháp cứu DN. Mặc dù Chính phủ đang tìm đủ các biện pháp để giải cứu DN, nhưng chính sách tiền tệ vẫn chưa thật sự vì lợi ích của DN. Điều này thể hiện rõ hơn trong Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế đã hầu như không đề cập đến tái cấu trúc khu vực tư nhân - khu vực hiện nay đóng góp tới hơn 2/3 GDP, 3/4 giá trị sản xuất công nghiệp và 100% việc làm mới cho nền kinh tế trong khu vực chính thức.
Tại các diễn đàn kinh tế trong nước thời gian qua, vẫn chưa có dự báo nào chính xác về khả năng phục hồi nhanh hay chậm của nền kinh tế vì còn phụ thuộc vào sự phục hồi của DN. Trong khi đó, sự phục hồi của DN phụ thuộc cả vào nguồn vốn lẫn sức mua của thị trường. TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, sức mua có khả năng thanh toán của tổ chức, cá nhân đã lên đến đỉnh, quá sức chịu đựng của họ, giờ chỉ còn đi xuống mà thôi...
Vấn đề giải cứu DN đang cần chính sách vĩ mô thỏa đáng không chỉ ở thị trường tiền tệ mà còn toàn bộ thị trường vốn. Thị trường này cần tác động ổn định vào cả cộng đồng DN và dân cư. Bởi lẽ, DN chính là chủ lực, còn cộng đồng dân cư chính là động lực, mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
THU PHƯƠNG