Riêng trong ngày 11-5, có đến 2 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng xảy ra tại mỏ đá Trường Bản (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) và tại Công ty TNHH Vân Long (Khu công nghiệp Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Vài ngày trước đó, tại Bệnh viện Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Lâm (47 tuổi, ở tỉnh Thái Nguyên), công nhân Công ty CP Thép Thái Bình Dương (huyện Hòa Vang) đã trút hơi thở cuối cùng, để lại vợ và con thơ do khi vận hành lò, anh bị nhiệt lò hơi quá nóng tạt vào người… Điều đáng nói là những vụ việc này xảy ra ngay sau tháng phát động hưởng ứng an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên toàn thành phố. Và có lẽ còn rất nhiều những vụ việc khác xảy ra nhưng được “âm thầm” giải quyết theo hướng thỏa thuận ngầm giữa chủ sử dụng lao động và người nhà nạn nhân.
Tất cả nạn nhân đều được khám nghiệm, điều tra kỹ rồi gọi chung một tên: TNLĐ. Bởi là TNLĐ nên đành phải hiểu đây là sự cố, rủi ro không ai muốn. Bởi là TNLĐ nên trách nhiệm không phải tại anh, cũng chẳng phải tại tôi. Các vụ tai nạn rồi sẽ rơi vào quên lãng; chỉ nỗi đau vẫn còn lại với những người vợ, người mẹ mất đi trụ cột chính ở quê nhà. Số tiền hỗ trợ vài chục triệu đồng và tùy vào lòng tốt của các chủ thầu xây dựng, chủ doanh nghiệp, đối với người dân nghèo là nhiều nhưng làm sao bù đắp được nỗi đau mất người thân! Dẫu biết TNLĐ là không ai muốn, dẫu biết khi để xảy ra tai nạn thì chủ sử dụng lao động cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng trước những thông tin tai nạn như thế, hẳn không ít người cảm thấy xót lòng và băn khoăn rằng, tại sao người công nhân không được trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động; tại sao công trình không có rào chắn, lan can để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Riêng trong năm 2011, Đà Nẵng xếp thứ 7 trong 10 địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người nhất với 68 vụ TNLĐ, làm 15 người chết và 73 người bị thương. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra gần chục vụ TNLĐ. Cũng như nhiều thành phố trong cả nước, Đà Nẵng đang trên đà phát triển với hàng trăm công trình xây dựng đang được triển khai, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên. Phải thừa nhận rằng, người lao động cũng chưa quan tâm đến an toàn lao động và vẫn còn tâm lý “trời kêu ai nấy dạ”. Chủ thầu xây dựng, chủ doanh nghiệp vì muốn cắt giảm chi phí cũng lơ đi hoặc thực hiện an toàn lao động cho lấy lệ. Câu hỏi đặt ra là: Liệu có còn những cái chết thương tâm của công nhân khi an toàn lao động bị xem nhẹ? Một khi chuyện TNLĐ vẫn được xem là chuyện nhỏ thì tính mạng con người vẫn bị đe dọa. Sau những đợt thanh tra liên ngành, xử phạt doanh nghiệp vài chục triệu đồng thì mọi việc lại đâu vào đấy, chẳng khác gì viên đá ném xuống mặt hồ. An toàn lao động là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, vậy mà tai nạn vẫn xảy ra. Đã đến lúc chính quyền và các ngành chức năng cần có những giải pháp căn cơ, động thái quyết liệt hơn đối với vấn đề an toàn lao động, bên cạnh việc xử phạt nặng đối với doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ. Thực tế hơn là ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra và người lao động phải được trang bị bảo hộ lao động. Nếu ở đâu người lao động không có bảo hộ lao động thì ngành chức năng xử lý nghiêm chủ sử dụng lao động và cho dừng ngay các hoạt động tại hiện trường.
PHƯƠNG TRÀ