Hôm nay (21-5), tại thủ đô Hà Nội diễn ra kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 7 nghị quyết và cho ý kiến với 6 dự án luật khác.
Điều cử tri hài lòng là tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bắt đầu áp dụng một số nội dung đổi mới trong cách thức tổ chức, tiến hành kỳ họp. Ngay tại kỳ họp này, Quốc hội bước đầu thực hiện một số nội dung theo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, mà cụ thể nhất là trong khâu xây dựng pháp luật. Để chuẩn bị cho kỳ họp áp dụng một số nội dung đổi mới, thời gian qua, việc kết nối giữa các giai đoạn từ xây dựng dự thảo, dự án với cơ quan thẩm tra đã được tiến hành chặt chẽ hơn. Các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra dự án luật đã mở nhiều cuộc hội thảo dưới hình thức trực tuyến để thu hút ý kiến đóng góp của đông đảo cử tri, nhất là các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Việc cung cấp tài liệu cho các đại biểu tại kỳ họp đã được đổi mới theo hình thức dữ liệu điện tử để tiết kiệm chi phí…
Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động trước kỳ họp. Cùng với công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tổ chức 5 cuộc tiếp xúc cử tri tại các địa phương. Đoàn đã tổng hợp 48 ý kiến, kiến nghị chuyển đến các cơ quan chức năng ở Trung ương và 98 ý kiến, kiến nghị chuyển UBND thành phố xem xét, giải quyết. Đến nay, UBND thành phố đã có văn bản trả lời 76 ý kiến, kiến nghị của cử tri và 13 bộ, ngành Trung ương có văn bản trả lời 30 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố. Tất cả các nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chuyển đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các quận, huyện, được đăng trên Báo Đà Nẵng để thông báo cho cử tri được biết…
Điều đáng mừng là tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân không chỉ quan tâm đến những vấn đề vi mô như “điện, đường, trường, trạm” trên địa bàn thành phố, mà còn là những ý kiến vĩ mô, toàn cục, mang tính an sinh tác dụng đến toàn xã hội. Hầu hết tại các cuộc tiếp xúc, cử tri rất bức xúc về việc các tập đoàn kinh tế Nhà nước như Điện lực, Dầu khí… năm nào quyết toán cũng thua lỗ trong khi lương của các cán bộ lại rất cao. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại các dự án thủy điện dọc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có sự đánh giá tác động của dự án đến cuộc sống người dân, đặc biệt là với những người dân vùng hạ lưu, để có biện pháp xử lý. Thực tế, thời gian qua, thủy điện đã trở thành vấn đề nóng với tình trạng hạn hán khốc liệt về mùa nắng, lũ lụt trầm trọng về mùa mưa do các thủy điện tích và xả nước gây thiệt hại lớn cho người dân. Việc thiếu nước, nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn do thủy điện Đắk Mi 4 tích nước; sự cố thủy điện Sông Tranh 2 khiến người dân càng thêm lo lắng, không biết hậu quả sẽ như thế nào nếu xảy ra vỡ đập. Cử tri cho rằng, ở đây có việc đặt lợi ích kinh tế doanh nghiệp lên trên tính mạng người dân.
Cử tri cũng bày tỏ sự lo lắng về tình hình lạm phát ngày càng nghiêm trọng, ảnh hướng đến đời sống nhân dân; lương chưa tăng thì giá đã tăng, tăng lương không kịp bù giá. Cử tri còn lo lắng trước tình hình an toàn thực phẩm trong thời gian gần đây, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; nhiều vụ vận chuyển thịt thối bị phát hiện, có những vụ được nhập từ nước ngoài. Cử tri cho rằng, công tác quản lý trên lĩnh vực này có sự buông lỏng, đồng thời có sự tiếp tay của các lực lượng chức năng.
Do khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp hiện lâm vào tình trạng khó khăn, nợ ngân hàng không thể trả được, dẫn đến phá sản, người lao động mất việc, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu có biện pháp tích cực hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng như bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Cử tri kiến nghị Chính phủ trong quá trình điều hành về giá điện, xăng dầu, cần có lộ trình, biện pháp dứt khoát hơn bảo đảm vận hành theo cơ chế thị trường; đề nghị Chính phủ chỉ đạo báo cáo, thống kê rõ các số liệu liên quan đến phí giao thông đã được thu trong xăng dầu. Cử tri phản ánh, mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp để ổn định giá cả, thị trường và qua các số liệu của Chính phủ cho thấy tình hình có chuyển biến khả quan nhưng thực tế vẫn không thấy tác dụng cụ thể, áp lực về giá đối với cuộc sống của người dân rất nặng nề. Mong muốn của cử tri là Chính phủ có báo cáo cụ thể trước Quốc hội về vấn đề này.
Cử tri cũng rất bức xúc trước việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ ban hành quy định về việc thu phí đối với ô-tô, xe gắn máy để giảm lượng phương tiện tham gia giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông và phí bảo trì đường bộ. Cử tri cho rằng, cơ sở hạ tầng giao thông nước ta còn kém, các dự án giao thông phần lớn đều kém chất lượng, phương tiện giao thông công cộng chưa bảo đảm được nhu cầu của người dân, trong khi đã nộp phí tham gia giao thông qua giá xăng… thì không lý gì người dân lại buộc phải tiếp tục đóng phí, đề nghị Chính phủ xem xét lại vấn đề này. Cử tri còn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo trả lời dứt điểm có thực hiện dự án xây dựng nhà ga đường sắt Đà Nẵng tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu hay không để nhân dân biết. Nếu thực hiện dự án này thì thời gian nào thực hiện? Nếu không thực hiện thì hướng giải quyết cuộc sống cho nhân dân ra sao? Bởi lẽ, dự án này công bố quy hoạch từ năm 2004 đến nay nhưng chưa triển khai thực hiện, nhân dân trong vùng quy hoạch rất khó khăn do đường sá xuống cấp, ngập nước thường xuyên…
Hy vọng rằng, với những yêu cầu bức bách của cuộc sống thực tế, với tiếng nói đầy lòng nhiệt huyết của cử tri thành phố Đà Nẵng nói riêng, cử tri cả nước nói chung, các đại biểu Quốc hội sẽ phản ánh đến kỳ họp này những vấn đề mà cử tri quan tâm, xứng đáng là người đã được cử tri “chọn mặt gửi vàng”…
LÊ VĂN HOA