.

Đầu tư cho sức khỏe

Chăm lo sức khỏe chính là bảo vệ nòi giống, cải thiện và nâng cao thể trạng người Việt Nam, từ đó đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Vì thế, đầu tư cho y tế để phát triển nhanh, đồng bộ, trong đó chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng như bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám chuyên khoa và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao đang là chủ trương được thành phố đẩy mạnh thực hiện song song với ưu tiên đầu tư cho giáo dục - đào tạo.

Bên cạnh ưu tiên đầu tư các ngành, các lĩnh vực trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống, những năm qua, thành phố quan tâm tập trung huy động nhiều nguồn lực, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa y tế để hình thành các bệnh viện chuyên sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Một mặt khẳng định năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ, mặt khác việc phát triển hệ thống các bệnh viện cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán quá tải, từ đó hỗ trợ tối đa trong chăm sóc sức khỏe, giúp người dân mắc bệnh nặng, hiểm nghèo không phải đi xa để điều trị bệnh.

Sự kiện Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chính thức được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Phụ sản - Nhi thuộc Bệnh viện Đà Nẵng là minh chứng rất cụ thể cho sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm đó. Điều đáng nói, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng là bệnh viện đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên chuyên về sản - nhi và là một trong ba trung tâm chuyên về sản - nhi lớn nhất Việt Nam với một số khoa, phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em sơ sinh vốn được các đơn vị y tế của thành phố thực hiện, duy trì khá tốt trong khoảng 3 năm trở lại đây.

Trong năm 2012, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng dự kiến sẽ đưa vào hoạt động với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại hàng đầu cả nước, đội ngũ y, bác sĩ chuyên ngành ung thư được đào tạo chuyên sâu trong nước và quốc tế. Đây không chỉ đơn thuần là nơi tầm soát, điều trị các bệnh ung thư như các cơ sở khác mà ý nghĩa nhân văn cao cả là ưu tiên hướng đến đối tượng đặc biệt khó khăn, người nghèo, ít hoặc không có điều kiện chữa trị. Bởi trên thực tế, nhiều người dân nghèo, người ở vùng sâu vùng xa không biết mình mang căn bệnh ung thư quái ác. Mãi đến giai đoạn cuối mới phát hiện thì khả năng duy trì sự sống rất mong manh.

Không chỉ đầu tư về hạ tầng, nguồn nhân lực, lãnh đạo thành phố còn quan tâm thăm hỏi, động viên và đưa ra chính sách hỗ trợ nhiều bệnh nhân khó khăn mắc bệnh nan y như suy thận, ung thư, phụ nữ đơn thân khó khăn mắc bệnh… Bên cạnh hỗ trợ miễn phí tiền khám chữa bệnh, những đối tượng này còn được cấp thẻ BHYT. Hiện nay, 100% trạm y tế xã, phường của thành phố được công nhận đạt chuẩn y tế quốc gia, các trung tâm y tế được đầu tư, nâng cấp và xây mới theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân địa phương, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố. Đà Nẵng đang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2012, hơn 900.000 dân của thành phố sẽ có thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Nếu mục tiêu này hoàn thành, Đà Nẵng sẽ cán đích trước 2 năm so với lộ trình BHYT chung của cả nước. Đây là nỗ lực rất lớn để thành phố từng bước thực hiện chính sách an sinh xã hội toàn diện.

Đà Nẵng đang nỗ lực phát triển để trở thành thành phố đáng sống. Do vậy, bên cạnh quy hoạch đô thị, xây dựng thành phố môi trường, văn minh đô thị, thành phố thông minh hơn…, Đà Nẵng đã và đang thực hiện có hiệu quả mục tiêu thành phố có dịch vụ y tế chuyên sâu. Nỗ lực đó đang được Đảng bộ, chính quyền thành phố quyết tâm, phấn đấu bền bỉ và được người dân thành phố đặt niềm tin, hưởng ứng tích cực để sớm trở thành hiện thực.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.