.

Để mùa pháo hoa đẹp hơn

Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2012 đã khép lại. Có thể nói, lần tổ chức này Đà Nẵng thu được nhiều kết quả như mong đợi. Điều dễ thấy nhất là con số khoảng 400.000 du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng trong hai đêm pháo hoa. Đây là con số khả quan trong bối cảnh “hầu bao” của nhiều gia đình đang được siết chặt. Để có được thành công đó, cả hệ thống chính quyền của thành phố đã ra sức chuẩn bị suốt thời gian dài.

Thông thường, ở lễ hội pháo hoa, các địa điểm đều tập trung lượng khách lớn, dễ xảy ra các sự cố về giá cả, giao thông, an ninh trật tự. Rút kinh nghiệm từ những lần tổ chức trước, các ngành chức năng của thành phố đã xây dựng các phương án giải quyết các tình huống có thể xảy ra, nhất là nạn cò kéo, bán hàng giả, hàng nhái, “chặt chém” du khách. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực ấy vẫn chưa thật sự làm thỏa mãn nhiều du khách, bởi thói làm ăn chụp giật của nhiều người kinh doanh.

Theo thống kê, Đà Nẵng có 276 khách sạn từ 1 - 5 sao, 172 nhà nghỉ và 10 nhà khách, với gần 12.000 phòng nghỉ. Công suất phòng như vậy tạm đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú của du khách. Thanh tra Sở VH-TT&DL xác định không có chuyện khách sạn trên địa bàn “cháy” phòng như các công ty lữ hành và chủ khách sạn thông tin. Dù vậy, tình trạng “cháy” phòng vẫn xảy ra nhằm mục đích “chặt chém” du khách khiến nhiều người rơi vào thế bí. Triển khai nhiều biện pháp mạnh tay, nhưng các lực lượng chức năng vẫn không ngăn được tình trạng nâng giá vé xem pháo hoa do các cò đầu nậu chi phối. Hay phổ biến nhất là giá giữ xe trên địa bàn bị đẩy lên gấp 6 lần so với quy định của thành phố. Đặc biệt, giá hàng ăn, uống, hải sản phục vụ tại các nhà hàng tăng lên gấp 2-3 lần. Rốt cuộc cơ quan chức năng vẫn khó có thể quản lý, kiểm soát hết để xử phạt nghiêm khắc.

Thực tế đã xuất hiện hàng chục điểm giữ xe “lậu” vẫn được thả nổi. Các hộ dân sử dụng ghế, chiếu, để giữ chỗ và cho thuê lại mặc dù bị nghiêm cấm hoàn toàn, nhưng vẫn thực hiện việc kinh doanh chỗ ngồi từ vài chục ngàn đến 1 triệu đồng/ghế, bạt. Điệp khúc “chặt chém” tái diễn đối với hàng hóa tại một số chợ du lịch nội thành. Sản phẩm được niêm yết giá bài bản, nhưng qua phản ảnh của người dân, đặc sản của Đà Nẵng bị đẩy giá lên cao hơn rất nhiều so với trước thời điểm pháo hoa, dù không có tình trạng khan hiếm. Nhiều khách du lịch đã bức xúc trước việc các khách sạn có vị trí đắc địa bên sông Hàn bán vé xem pháo hoa trên tầng thượng kiểu “treo đầu dê, bán đầu chó”. Tiền vé thì lấy đủ, nhưng khách không được sắp xếp chỗ ngồi theo đúng nghĩa. Một du khách từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng xem pháo hoa đã tức giận thốt lên: “Tưởng lên tầng thượng để ngắm pháo hoa cho mát mẻ, nhưng không ngờ lại phải chen chúc đến toát mồ hôi”.

Lễ hội pháo hoa khi đã trở thành thương hiệu của Đà Nẵng, không lý gì người dân làm kinh doanh ở Đà Nẵng không hiểu rằng: Chúng ta sẽ phục vụ du khách cả đời chứ không chỉ một năm, hai năm. Không chỉ có pháo hoa, người dân địa phương còn tự hào thành phố mình có những địa danh rất đẹp, rất hấp dẫn như: Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, Bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà... Thành phố có những khu nghỉ dưỡng cao cấp vào bậc nhất miền Trung như Furama resort, Hoàng Đạt resort, Fusion Maia resort, luôn đông đúc người đến tham quan, sử dụng dịch vụ, tạo thu nhập cho người kinh doanh và đóng góp ngân sách Nhà nước. Vì thế, cách làm phải chuyên nghiệp mới mong du khách còn mặn mà trở lại.

Những hạt sạn trong kinh doanh dịch vụ du lịch Đà Nẵng nổi cộm lên trong mùa pháo hoa năm nay ít nhiều đã tác động đến hình ảnh một Đà Nẵng văn minh, hiện đại. Trong khi lãnh đạo thành phố và nhiều cơ quan chức năng nỗ lực, đầy tâm huyết để xây dựng và phát triển thành phố thì bộ phận người dân làm du lịch lại đi ngược lại giá trị đạo đức kinh doanh. Vấn đề đặt ra là làm sao để giữ vững “thương hiệu pháo hoa” của Đà Nẵng? Làm sao để du khách thật sự thỏa mãn, hài lòng về điểm đến Đà Nẵng? Làm sao để mùa pháo hoa 2013, 2014, 2015…, du khách sẽ không còn gặp tình trạng “chặt chém”, không còn gặp những “hạt sạn” trong quá trình lưu lại thành phố biển để thưởng lãm những màn pháo hoa đa sắc màu?

Mong rằng, những mùa pháo hoa sau sẽ đẹp hơn với tình cảm và ấn tượng của du khách dành cho một Đà Nẵng hài hòa, an bình, hấp dẫn và đáng sống.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.