.

Điệp khúc chậm tiến độ

UBND thành phố vừa có quyết định xử phạt Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 586, nhà thầu công trình Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng hơn 4,8 tỷ đồng vì làm chậm tiến độ thi công hạng mục xây lắp phần ngầm của công trình. Theo đó, UBND thành phố giao cho Ban Quản lý dự án xây dựng thành phố Đà Nẵng khấu trừ số tiền phạt trên vào giá trị khối lượng xây lắp còn lại phải thanh toán cho nhà thầu thi công, đồng thời yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và phải bảo đảm chất lượng công trình.

Việc xử phạt nhà thầu thi công chậm tiến độ cũng được thực hiện trong những năm qua như xử phạt nhà thầu Tổng Công ty Sông Hồng 50 triệu đồng vì chậm thi công công trình Trung tâm Hành chính thành phố. Trước đó, doanh nghiệp này cũng bị xử phạt 90 triệu đồng với dự án Cung Thể thao Tiên Sơn. Hay tại dự án cầu Rồng, Liên danh nhà thầu Công ty 508 (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5) và Công ty Xây dựng cầu 75 (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8) cũng từng bị xử phạt vi phạm tiến độ với mức 0,01% tổng giá trị hạng mục/ngày chậm trễ tiến độ.

Ngay sau khi xử phạt nhà thầu thi công tại dự án Trung tâm Hành chính thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa có văn bản thu hồi dự án Công trình Nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh do Công ty CP Đầu tư xây dựng Hưng Phú làm chủ đầu tư. Chung cư này được giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Hưng Phú thực hiện từ năm 2010 và cam kết sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2011. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiểm tra, đôn đốc, nhà đầu tư vẫn không thể triển khai đúng tiến độ. Được biết, dự án xây dựng chung cư 5 tầng dành cho công nhân với kinh phí gần 30 tỷ đồng tại KCN Hòa Khánh được khởi công từ năm 2003, do Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện, nhưng đến năm 2005 thì dự án dừng lại. Năm 2010, dự án được Công ty CP Đầu tư Hưng Phú tiếp nhận và bỏ hoang từ đó đến nay.

Điều gây bức xúc hiện nay mang tính phổ biến trong đầu tư xây dựng là tiến độ chậm. Thực tế, dự án công trình vốn đầu tư Nhà nước thường kéo dài tiến độ, giá thành đầu tư cao, lãng phí, thất thoát nhiều, hiệu quả không cao. Tại Hội thảo “Thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Bộ Xây dựng tổ chức vào tháng 2 vừa qua, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Chủ tịch Hội Xây dựng Đà Nẵng kiến nghị phải xem tiến độ là pháp lệnh cần tôn trọng và thực hiện; có chính sách thưởng, phạt phân minh đối với các công trình vượt tiến độ và chậm tiến độ. Muốn vậy, cần có chế tài cụ thể đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Mới đây, dư luận Đà Nẵng rất đồng tình ủng hộ cách làm việc thẳng thắn, quyết liệt ngay tại hiện trường của ông Đặng Việt Dũng khi thay thế Giám đốc điều hành gói thầu C13a, C13b thuộc tiểu hợp phần C công trình đường Nguyễn Tri Phương nối dài đi Hòa Quý thuộc Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên. Việc thay thế Giám đốc điều hành 2 gói thầu này kể từ ngày 17-2 vừa qua cũng do sự chậm trễ trong quá trình triển khai thi công. Tiến độ công trình này đã được đẩy lên và sẽ về đúng mốc thời gian dự kiến ban đầu là ngày 29-3-2013.

Cũng tại hội thảo, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, năm 2011 tỷ lệ công trình xây dựng đúng thời hạn ở Việt Nam chỉ chưa tới 1%, hơn 99% dự án có thời gian đầu tư đều kéo dài và chậm tiến độ. Tuy nhiên, số lượng nhà thầu bị phạt do chậm tiến độ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng ghi nhận chỉ có một số chủ đầu tư ở Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh xử phạt nhà thầu chậm tiến độ bằng hình thức chấm dứt hợp đồng, phạt tiền. Điều này cho thấy Đà Nẵng quyết không để công trình do thành phố đầu tư phải chậm tiến độ do sự tắc trách từ phía nhà thầu. Chủ trương này vừa thực thi xử lý vi phạm hành chính trong thực hiện quyền quản lý Nhà nước của UBND các cấp, vừa thực hiện quyền… dân sự khi bắt bồi thường thiệt hại theo hợp đồng; tránh lãng phí do công trình chậm tiến độ.

Về phía chủ đầu tư là UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã đáp ứng các điều kiện về đầu tư dự án, sớm thực thi các văn bản chỉ đạo của Trung ương về điều chỉnh giá thiết bị, vật tư, giá nhân công theo thời điểm, bảo đảm quyền lợi của nhà thầu. Lãnh đạo UBND thành phố phân công cán bộ các cấp theo dõi sát sao tình hình thi công ở các dự án; thậm chí chấm công, kiểm đếm số lượng nhân công làm việc ở công trường mỗi ngày, đề xuất khen thưởng gắn với xử phạt vi phạm tiến độ đối với Ban quản lý dự án và nhà thầu xây dựng. Do vậy, khi bị xử phạt, các nhà thầu tâm phục, khẩu phục. Bằng chứng là ngay sau khi có quyết định xử phạt thì tiến độ thi công ở các dự án đều được đẩy nhanh. Đây cũng là minh chứng cho mối quan hệ “Win-Win” (cả hai cùng thắng hay cùng hoàn thành nhiệm vụ), đáp ứng mối quan hệ sòng phẳng giữa chủ đầu tư với nhà thầu xây dựng.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.