.

Đổ bệnh vì nắng nóng

Hơn một tuần qua, thời tiết cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Trung đỉnh điểm lên đến gần 40 độ C, không chỉ làm mọi sinh hoạt thường ngày của người dân bị đảo lộn, các bãi biển Đà Nẵng vì thế cũng trở nên đông nghịt người giải nắng. Nhưng thực tế rõ ràng nhất trước hậu quả của đợt nắng nóng kéo dài này là nhiều trẻ em và người già nhập viện vì bệnh đường hô hấp, tiêu hóa và tai biến mạch máu.

Nguy cơ xuất hiện, bùng phát dịch bệnh do nắng nóng rất cao nếu công tác phòng ngừa, thu dung điều trị không bảo đảm cách ly tốt, nhất là đối với dịch bệnh tay-chân-miệng (TCM) đang phổ biến ở trẻ em hiện nay. Hậu quả của nắng nóng thấy rõ nhất là nhiều phụ huynh tất tả bế con đến bệnh viện để khám bệnh. Còn bệnh viện tuyến thành phố, cả tuyến quận, huyện càng trở nên quá tải trầm trọng do không đủ giường để thu dung bệnh nhân. Đặc biệt, giữa những đợt nắng nóng hầm hập như thiêu đốt thì bất ngờ mưa giông, gió lớn trút xuống, thời tiết khắc nghiệt thay đổi đột ngột những ngày qua đã khiến cuộc sống, sức khỏe của nhiều người khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trung tâm Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vốn là cơ sở khám chữa bệnh rộng rãi vào loại nhất, nhì thành phố hiện nay bỗng trở nên chật hẹp và ngột ngạt do bệnh nhân đến khám chữa bệnh quá đông. Trong đó, bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm khoảng 50%. Riêng những ngày qua, thống kê mỗi ngày có gần 900 bệnh nhân nhi đang điều trị nội trú.

Đó là chưa kể hàng trăm sản phụ chờ sinh. Trong khi đó, ở đây chỉ có 600 giường bệnh. Sự quá tải không chỉ gây lo lắng cho các gia đình có con mắc bệnh mà các bác sĩ, y tá, điều dưỡng rất vất vả trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là thực hiện cách ly tốt, hạn chế lây nhiễm chéo ở bệnh nhân nhi.

Điều đáng lo là trong số trẻ em nhập viện điều trị có hơn 340 bệnh nhân nhi mắc bệnh TCM. Đây là bệnh nguy hiểm, rất dễ lây lan trong môi trường đông đúc, nhiệt độ tăng cao. Một số trẻ em nhập viện trong tình trạng nặng, với những biểu hiện như sốt cao, co giật, rối loạn điện giải, suy hô hấp… Tuy tỷ lệ tử vong ở Đà Nẵng ghi nhận rất thấp nhưng đáng lo ngại là có nhiều cháu không chỉ mắc riêng bệnh TCM mà còn kèm theo viêm phổi, tiêu chảy hay các bệnh khác, khiến diễn biến của bệnh nặng thêm.

Trong lúc trẻ em chịu ảnh hưởng với nhiều loại bệnh xảy đến cùng lúc thì những căn bệnh nguy hiểm khác cũng dễ xuất hiện vào thời điểm này đối với người cao tuổi như tăng huyết áp, đột quỵ, tim mạch... Nhóm những loại bệnh này thường dẫn đến tử vong rất nhanh nếu không được xử lý, can thiệp kịp thời. Không ít trường hợp nắng nóng gây nên cơn tăng huyết áp, khiến người bệnh tử vong ngay trên đường đến bệnh viện, nhất là những người đột quỵ trong đêm, không được phát hiện kịp thời. Trường hợp chuyển đến bệnh viện quá muộn, nếu cứu kịp thì hậu quả cũng khá nặng nề vì bệnh đã gây biến chứng lan tỏa đến thần kinh, não bộ. Ngay như bệnh nhân tâm thần trong những ngày qua tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cũng có dấu hiệu tăng do thời tiết quá nóng. Nhiệt độ trong môi trường tăng mạnh tác động trực tiếp đến các cơ quan cảm ứng ở da, mạch máu, hệ bài tiết mồ hôi, làm cơ thể tiết ra những chất trung gian gây ngứa hoặc tạo điều kiện cho các virus, nấm phát triển. Ngoài ra, nếu sức đề kháng của cơ thể giảm, khi mệt mỏi, ăn uống không đầy đủ sẽ làm tăng các bệnh da có ngứa, nhiễm trùng da, nấm da như viêm da cơ địa, chàm cơ địa, sần ngứa, chốc, viêm chân tóc…

Nắng nóng gây hậu quả như vậy, nhưng điều đáng lo là người dân vẫn chưa xem trọng việc phòng bệnh, tránh nắng, tránh nóng nên ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trong thời điểm này, các cơ quan y tế dự phòng của thành phố khuyến cáo, ngoài việc chú ý che chắn kỹ lưỡng cho trẻ khi ở ngoài trời, phụ huynh cũng chú ý phòng tránh để trẻ khỏi bị sốt cao do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nhiều gia đình, nhà trẻ bật quạt, máy điều hòa trong nhà để chống nóng nhưng lại không chú ý, để trẻ ra ngoài sân nắng chơi, hay đưa trẻ đi dưới trời nắng ngay khi vừa ra khỏi phòng lạnh. Điều này dễ khiến trẻ bị choáng hoặc bị viêm phổi. Các bậc phụ huynh, nhà trẻ nên dọn dẹp nhà cửa, phòng học của trẻ thường xuyên, tạo không gian thoáng đãng, tránh để nhiệt độ thay đổi tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Người dân cũng cần chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh làm cho trẻ bị tiêu chảy cấp do thức ăn nhanh ôi thiêu trong thời tiết nắng nóng. Với người già, cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế bị nắng nóng tác động trực tiếp vào cơ thể.

Dự báo, nắng nóng gay gắt tại khu vực miền Trung sẽ tiếp tục kéo dài, thời gian nắng nóng xuất hiện sớm và kết thúc muộn trong ngày. Do vậy, điều quan trọng nhất trong lúc này là người dân cần chủ động cập nhật những phương pháp tránh nắng nóng hiệu quả để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra do chủ quan.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.