Trong 2 ngày cuối tuần qua, có 2 sự kiện mang tính quốc tế diễn ra tại Đà Nẵng. Trong đó, có một hoạt động sôi nổi thu hút hàng ngàn người tham gia và thưởng lãm là Cuộc thi Dù bay quốc tế Đà Nẵng (DIPR 2012) lần thứ nhất. Và một hoạt động diễn ra lặng lẽ chỉ với sự tham gia của gần 50 lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong khóa bồi dưỡng “Xây dựng Đà Nẵng xanh” do các giảng viên, chuyên gia của Đại học Tây Anh (University of the West of England) trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy.
Hai sự kiện - tầm vóc và quy mô khác nhau, nhưng thật ra cùng hướng đến một mục tiêu là xây dựng một đô thị Đà Nẵng độc đáo, an bình, thân thiện và đáng sống trong một tương lai gần.
Cũng như sự kiện Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) khởi đầu cách đây 5 năm, nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng DIPR được tổ chức lần đầu tiên vào năm nay sẽ khó thu hút người xem, sẽ khó hấp dẫn bởi những loại hình này đã trở nên quen thuộc với thế giới và đặc biệt là có gì để thi (!?). Thế nhưng, có trực tiếp chứng kiến những tiết mục thi và cả biểu diễn với những phần nhào lộn, xếp hình... ngoạn mục cùng những cú rơi người thót tim mới thấy rằng, bộ môn còn khá xa lạ với người Việt Nam này không kém phần hấp dẫn và hồi hộp. Đặc biệt, không gian diễn ra cuộc thi lại là bãi biển Đà Nẵng - một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh như tạp chí Forbes từng bình chọn. Cũng như vậy, nhiều người cảm thấy rung động thật sự trước những màn pháo hoa độc đáo, trước sự kết hợp đầy cảm xúc thăng hoa giữa âm thanh, ánh sáng, sắc màu của pháo hoa in bóng lung linh xuống dòng sông Hàn thơ mộng; chứ không đơn thuần chỉ là pháo hoa bay lên trời nổ đùng đùng rồi tắt lịm như nhiều người từng nghĩ.
Nhiều người đã thay đổi cách nhìn khi tiếp cận với sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo như thi pháo hoa ở Đà Nẵng; thì đến DIPR cũng vậy. Ngay cả một du khách Pháp, đến từ đất nước tiên tiến ở phương Tây như ông Guy Delman - sau trải nghiệm dù bay trên bầu trời Đà Nẵng đã trả lời báo chí rằng, đây là một loại hình sản phẩm du lịch độc đáo của Đà Nẵng và ông cảm thấy yên tâm khi được bay cùng những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của thế giới ngay trên mảnh đất Đà Nẵng này!
Nhắc đến từ “độc đáo” trong sản phẩm du lịch, bà Sandra Manley, Phó Trưởng khoa Quy hoạch và Kiến trúc, Đại học Tây Anh đã nói cùng các học viên của khóa bồi dưỡng “Xây dựng Đà Nẵng xanh” rằng, cần phải xây dựng Đà Nẵng trở thành điển hình trong quá trình “xanh hóa” đô thị. Theo bà, mục tiêu của phát triển một không gian phải phản ánh được đặc tính của Đà Nẵng - đặc tính của địa phương, linh hồn của địa phương; để khi nhìn vào dấu hiệu ấy thì người ta nhận ra ngay đó là nơi nào. Muốn thu hút khách du lịch, không thể để người ta nhìn nơi đó giống như những địa phương khác, mà phải thấy được linh hồn, thấy được sự đặc sắc, độc đáo của nơi đó!
Xâu chuỗi 2 sự kiện cuối tuần thông qua sợi dây “độc đáo”, chúng ta có thể thấy rằng, Đà Nẵng đang nỗ lực tìm kiếm, xây dựng chiến lược phát triển tổng thể cũng như tổ chức từng sự kiện, sản phẩm cụ thể mang tính hấp dẫn, độc đáo để hướng đến xây dựng chuỗi giá trị mới cho đô thị. Đó là việc xây dựng một đô thị bền vững trong tương lai - mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố đề ra: Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng có quy mô dân số không vượt quá 2 triệu người, trở thành một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.
Trên hành trình đó, sẽ có nhiều chông gai cũng như không ít ngộ nhận. Vấn đề quan trọng là sự nỗ lực, chung sức chung lòng thực hiện thành công chiến lược phát triển đó sẽ chứng minh cho chuỗi giá trị mà Đà Nẵng xây dựng - một đô thị hấp dẫn và đáng sống nhờ... độc đáo!
ANH QUÂN