.

Hiểm họa cháy rừng

Rừng đặc dụng nam Hải Vân cháy vào 13 giờ 30 ngày 2-5, được dập tắt lúc 1 giờ 15 ngày 3-5 với khoảng 100ha rừng tự nhiên và rừng trồng bị thiêu rụi là vụ cháy rừng lớn nhất kể từ trước đến nay ở thành phố Đà Nẵng. Thiệt hại về kinh tế từ vụ cháy không lớn bởi khu vực cháy nghèo tài nguyên, chủ yếu là lau lách, cây bụi, nhưng đặt ra vấn đề về công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.

Theo Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu, nguyên nhân gây cháy rất có thể do vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, gặp lúc nắng nóng phát nổ và dẫn đến cháy rừng. Tuy vậy, nhận định này chưa thật thuyết phục, bởi chiến tranh đã qua 37 năm, các vật liệu nổ còn sót lại (nếu có) đều nằm yên dưới mặt đất, hơn nữa được che phủ lớp thực bì dày đặc của cây rừng. Và nếu nói nắng nóng dẫn tới gây nổ thì cũng không có cơ sở. Như vậy, yếu tố con người cần phải được đề cập tới. Khu vực phát lửa tại độ cao 384m nguyên là căn cứ của Mỹ - ngụy hồi chiến tranh, chắc chắn có nhiều sắt phế liệu. Những người mưu sinh bằng việc rà tìm sắt phế liệu sẵn sàng tìm đến nơi đây, bất chấp địa hình hiểm trở. Rất có thể trong khi rà tìm sắt phế liệu, họ đã sử dụng lửa để đun nấu và vô ý gây nên cháy rừng. Khi rừng cháy, họ đã cao chạy xa bay. Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, từng đề cập đến vấn đề này và cho rằng, không tìm ra nguyên nhân gây cháy rừng thì đổ cho bom lân tinh phát nổ. Kiểu lập luận này chỉ là sự biện minh, khó chấp nhận.

Để sớm dập tắt đám cháy, đích thân Tư lệnh QK5, lãnh đạo UBND thành phố, quận Liên Chiểu có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ huy, điều hành chữa cháy. Chưa khi nào công tác chữa cháy có sự tham gia của lực lượng hùng hậu bao gồm 1.270 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ, công an, biên phòng và kiểm lâm, cùng 12 xe cứu hỏa như vụ cháy rừng này. Hơn 1.200 người đã kiên gan đối mặt với giặc lửa, nỗ lực lập đường băng, trong đó ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội được phát huy hơn bao giờ hết. Chính sự nỗ lực này đã khống chế thành công đám cháy sau gần 12 tiếng đồng hồ. Thực tế chữa cháy minh chứng dù địa hình phức tạp đến mấy, đám cháy dữ dội đến mấy, nhưng có sự chỉ đạo sâu sát, phương án chữa cháy hợp lý cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của lực lượng chữa cháy, con người vẫn thắng được “giặc” lửa. Không ít người cho rằng, nếu chữa cháy không hiệu quả, vụ cháy có thể kéo dài nhiều ngày và diện tích rừng bị thiêu rụi sẽ lớn hơn rất nhiều.

Qua vụ cháy này, cơ quan chức năng, cụ thể là Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, cần rút ra bài học trong việc quản lý bảo vệ rừng và triển khai phòng cháy, chữa cháy rừng. Trước hết, phải thấy rằng, tuy nỗ lực, vận động chữa cháy kịp thời, nhưng lực lượng tại chỗ quá mỏng, tính chuyên nghiệp không cao, nên không thể khống chế đám cháy ở phạm vi nhỏ. Lực lượng chi viện chữa cháy chưa kịp thời. Nếu như ngay chiều 2-5, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia chữa cháy thì đám cháy không lan rộng như vậy. Đằng này, lực lượng quân đội đa số đều cơ động đến hiện trường vào khoảng 19-20 giờ, khi đám cháy đã lan rộng, khó kiểm soát.

Vụ cháy cũng đặt ra yêu cầu cần thiết trang bị bảo hộ lao động cho lực lượng chữa cháy, nhất là giày, mũ. Về phương án chữa cháy, không có giải pháp nào tốt hơn là lập đường băng cản lửa và công việc này phải triển khai thật khẩn trương. Trên khu vực nguy cơ cháy cao như rừng đặc dụng nam Hải Vân, nhất thiết phải xây dựng mạng lưới đường vận động chữa cháy rừng, để khi xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy tiếp cận hiện trường nhanh hơn.                                                                                

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.