.

Khi phụ nữ là doanh nhân

Cuộc tọa đàm “Khi phụ nữ là doanh nhân” diễn ra tại chương trình tôn vinh nữ doanh nhân tiêu biểu - thành đạt thành phố Đà Nẵng năm 2012 vào cuối tuần qua đã thu hút sự chú ý của những người có mặt cũng như khán giả màn ảnh nhỏ.

Những câu chuyện, suy nghĩ được bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-Line; bà Bùi Đỗ Bích Vân, Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ dường như nói hộ tâm sự của rất nhiều nữ doanh nhân có mặt tại khán phòng Furama, đặc biệt là 16 nữ doanh nhân tiêu biểu - thành đạt được tôn vinh cũng như 12 nữ doanh nhân đạt danh hiệu “Bông hồng vàng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội đồng Nữ doanh nhân Việt Nam trao tặng qua các năm.

Một trong những vấn đề đặt ra tại tọa đàm là điểm yếu của nữ doanh nhân. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, khi nữ doanh nhân Việt Nam được khen là cần mẫn, tỉ mỉ, thông thường bà không phản đối nhưng lại cảnh giác. Bởi lẽ, tính cách cần mẫn, tỉ mỉ đó có thể làm hạn chế sự vươn lên đến tầm cao, dài, rộng và sâu, trong khi những phụ nữ được đào tạo bài bản, nhất là với người trẻ, thì hoàn toàn hội tụ đủ tố chất để có tầm nhìn rộng và để thành công hơn nữa.

Ưu điểm của phụ nữ Việt Nam là khả năng chịu đựng, sự dẻo dai, kiên cường. Song, trong môi trường văn hóa Á Đông, người phụ nữ vẫn chịu những định kiến nhất định nếu thể hiện sự quá bản lĩnh, quá mạnh mẽ và quá thành công trong sự nghiệp. Đôi khi, bản lĩnh, mạnh mẽ và thành công đó được đánh đổi bằng sự đổ vỡ trong hôn nhân. Vì vậy, bà Tôn Nữ Thị Ninh hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng, phụ nữ Việt Nam nói chung, nữ doanh nhân nói riêng, muốn thành công trong công việc thì cần dung hòa, kết hợp với hạnh phúc gia đình. “Chị em cần có phương pháp và sự trải nghiệm. Đồng thời, chị em cũng cần rộng lượng, bao dung với nhau, thay vì đố kỵ, không vui mừng trước thành công của người khác”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nói. Đây cũng chính là thông điệp mà bà muốn gửi gắm, vừa là sự chia sẻ, vừa để động viên “phái yếu” khắc phục điểm yếu thường có.

Bà Lê Thị Nam Phương thừa nhận thực tế có những phụ nữ càng thành đạt thì càng cô đơn. Phải chăng đây là điều nghịch lý trong xã hội bình đẳng giới, khi phụ nữ được khuyến khích bước ra thương trường, tham gia lãnh đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh như nam giới? Và điều nghịch lý ấy đã làm không ít bạn trẻ e ngại - nam giới thường không thích chọn bạn đời đam mê công việc và thành đạt; còn nhiều nữ giới khi được hỏi sẽ chọn gia đình hay sự nghiệp thì đều dành sự ưu tiên cho gia đình.

Có lẽ đằng sau những nữ doanh nhân là nụ cười, hạnh phúc; và với nhiều người còn có cả nước mắt lẫn khổ đau. Họ cần được xã hội nhìn nhận bao dung hơn khi vừa phải đảm đương “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Họ cần các đấng lang quân cùng gia đình chia sẻ, cảm thông và yêu thương nhiều hơn. Bởi lẽ, đằng sau sự mạnh mẽ, bản lĩnh thường thấy, các nữ doanh nhân cũng là những phụ nữ bình thường và mỗi người đều cần lắm bờ vai ấm áp!

16 nữ doanh nhân tiêu biểu - thành đạt trong tổng số 4.000 doanh nghiệp do nữ làm chủ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được tôn vinh năm 2012 là sự tưởng thưởng xứng đáng và cũng là sự công nhận, đánh giá cao của các cơ quan, tổ chức xã hội đối với nỗ lực, cống hiến của chị em. Nói như bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng rằng, không chỉ đơn thuần là vinh danh những nữ doanh nhân tiêu biểu - thành đạt, mà còn nhằm động viên, khích lệ về ý chí, nghị lực, kiên cường của chị em trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Sự tôn vinh này là động lực quan trọng để các nữ doanh nhân của Đà Nẵng tiếp tục thể hiện tài năng, sức sáng tạo, không ngừng vươn lên, chủ động, tự tin vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển thành phố.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.