.

Khơi thông dòng chảy văn hóa

Việc lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam quyết tâm khơi thông sông Cổ Cò từ Đà Nẵng vào Hội An được dư luận rất quan tâm. Đây không chỉ đơn thuần là việc khơi thông dòng chảy của một dòng sông mà còn khơi thông cả dòng chảy của vùng văn hóa.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của hai địa phương, Đà Nẵng - Quảng Nam đã có nhiều dự án “bắt tay” nhau để gắn kết cùng phát triển kinh tế-xã hội, như xây dựng tuyến đường ven biển Đà Nẵng-Hội An; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Trần Đại Nghĩa (Đà Nẵng) với Hội An… Riêng tại Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố không những chú trọng phát triển kinh tế-xã hội mà còn tập trung đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Bởi lẽ hơn hết, đầu tư cho văn hóa được xem là nhiệm vụ chiến lược đáp ứng mục tiêu xây dựng xã hội phát triển cường thịnh mà con người là chủ thể chính của việc phát triển văn hóa. Việc khơi thông dòng chảy sông Cổ Cò có ý nghĩa quan trọng để kết nối các điểm văn hóa bằng con đường ngược - xuôi trên sông nước mà thành phố đã và đang triển khai thực hiện, như các tuyến: sông Hàn - Cẩm Lệ - Đình làng Túy Loan - Nhà cổ Thái Lai; sông Hàn - bán đảo Sơn Trà; sông Hàn - Khu di tích K20 - Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn. Trong đó, tuyến từ sông Hàn tới Ngũ Hành Sơn vào Hội An sẽ là tuyến có tiềm năng khai thác và trao đổi khách giữa hai địa phương cao nhất; khơi dậy dòng chảy lịch sử - văn hóa với bao kỳ diệu của một dòng sông xưa.

Các thế hệ hôm nay và mai sau đã và đang tiếp nối những tinh hoa văn hóa của một dòng sông. Con sông Cổ Cò xưa kia vốn là huyết mạch nối liền sông Hàn của Đà Nẵng và sông Thu Bồn của Hội An. Trong thời kỳ hưng thịnh của cảng thị Hội An (thế kỷ XVII- XVIII), sông Cổ Cò là tuyến thông thương quan trọng nhất vùng từ chợ Hàn - chợ Phố qua ngõ sông Cổ Cò, nối 2 đô thị buôn bán hưng thịnh nhất. Lúc bấy giờ, Đà Nẵng được xem là tiền cảng, là nơi các tàu buôn lớn của Âu châu cập bến để chuyển hàng sang các thuyền nhỏ rồi theo sông Cổ Cò vào Hội An. Đến thế kỷ XIX, sông Cổ Cò bị cát bồi lấp, các tàu buôn lớn không vào được Cửa Đại vì lạch cạn, việc buôn bán ở Hội An ngày càng sa sút thì Đà Nẵng nổi lên như một thương cảng mới đầy sức hấp dẫn.

Ngày nay, hai thành phố lại cùng cất cánh với tốc độ phát triển nhanh, phố phường vẫn tiếp tục khoác lên mình những màu sắc mới. Đà Nẵng phát triển theo hướng trẻ trung, hiện đại; còn Hội An vẫn giữ lại sự cổ kính - nét đặc trưng vốn làm say lòng bao du khách. Việc khơi thông sông Cổ Cò với quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Đà Nẵng-Quảng Nam không chỉ mở ra những cơ hội phát triển du lịch, mà sẽ nối lại dòng chảy xa xưa như một long mạch chảy dài từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Việc khơi thông sông Cổ Cò từ Đà Nẵng vào Hội An là khơi thông một dòng trầm tích văn hóa - lịch sử để Đà Nẵng - Quảng Nam tiếp tục tìm kiếm cho mình những nét văn hóa chung - riêng trong dòng chảy của văn hóa xứ Quảng - một cội nguồn văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của dân tộc.

VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.