Đây không chỉ là nỗi lo về an toàn thủy điện mà còn là nỗi lo trước “cuộc chiến” giữa chủ đầu tư các nhà máy thủy điện và chính quyền địa phương nằm dưới hạ lưu các đập thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung mà năm nào cũng xảy ra khi bước vào mùa nắng nóng.
Mùa hạn hán năm nay mới chỉ bắt đầu, người dân ở nhiều nơi trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam đang phải gồng mình chống chọi với nắng nóng, thiếu nước và xâm nhập mặn. Hơn 10 ngàn hec-ta lúa của người dân ở hạ du sông Vu Gia hiện đứng trước nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng, chưa kể nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm ngàn người dân Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xâm nhập mặn. Một lần nữa, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam lại yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy thủy điện xả nước cứu dân. Nhưng những đơn vị này luôn chần chừ, trì hoãn, không muốn thực hiện. Ý kiến của các địa phương bị chủ các nhà máy thủy điện phớt lờ đâu còn là chuyện lạ. Việc xả nước từ các nhà máy thủy điện để cứu người và cứu lúa của dân đã trở thành chuyện “ban phát”, “xin cho”. Còn nhớ, báo chí thời điểm đó đã đăng tải thông tin về “cuộc chiến” đòi nước giữa Đà Nẵng và thủy điện Đăk Mi 4 kết thúc năm 2010 với phần thắng nghiêng về Đà Nẵng khi đòi được 25m3/s nước mùa suy kiệt. Kết quả đó, theo một cán bộ lâu năm trong ngành nông nghiệp Đà Nẵng dường như cũng đã là mỹ mãn lắm rồi!
Năm nay cũng vậy, các nhà máy thủy điện đang đưa ra muôn vàn lý do để thoái thác chuyện xả nước như: lượng nước chảy vào hồ thấp, chưa đến đỉnh điểm của mùa khô hạn… Điều đó khiến một chuyên gia về quy hoạch thủy điện phải thốt lên rằng, thật ra xả hay không xả là do các nhà máy thủy điện muốn hay không mà thôi! Trong khi đó, thủy điện gây nhiều hậu quả xấu về môi trường, sinh thái như ngập lụt vùng hạ du do xả lũ, vấn đề an toàn đập, tái định cư, hậu tái định cư, nhân dân thiếu đất sản xuất, nguy cơ tái nghèo cao, hộ dân bỏ khu tái định cư đi phá rừng... Sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) rỉ nước là hệ quả nhãn tiền, cảnh báo về độ an toàn của các thủy điện. Dù chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án thủy điện 3 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam) lên tiếng trấn an, nhưng người dân và chính quyền địa phương vẫn… run!
Đến nay thì người dân đã bắt đầu có những hoài nghi về lợi ích mà thủy điện mang lại, như cam kết của các chủ đầu tư khi xây nhà máy thủy điện. Phải chăng thủy điện chỉ mang lại lợi ích cục bộ cho nhà đầu tư hơn là cho dân? Trong khi đó, vấn đề “an dân” và tính mạng của người dân luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Điều quan trọng cần phải hiểu rằng, công trình thủy điện không đơn thuần chỉ là sản xuất điện, mà còn chức năng điều tiết nước trong mùa khô, giảm lũ trong mùa mưa. Một khi không sử dụng tối đa các chức năng đó cũng đồng nghĩa là không tận dụng hết ý nghĩa của nguồn vốn đã dùng để xây dựng công trình. Nếu phớt lờ lợi ích của cộng đồng vì quyền lợi riêng của chính mình, phải chăng các nhà máy thủy điện đã làm mất lòng tin của dân, trong đó có những người hiến đất sản xuất - cần câu cơm - của mình để làm thủy điện. Có lẽ, thiệt hại do sự cố thủy điện đã không thể tính bằng tiền.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng, xây một nhà máy thủy điện cần nhiều vốn và thời gian hơn một nhà máy nhiệt điện. Bởi vậy, nếu tính tiền vốn và tiền lãi phải trang trải trong thời gian xây dựng nhà máy vào giá thành của điện thì chưa chắc gì thủy điện đã rẻ hơn nhiệt điện. Điều đáng ngại hơn là trong tương lai, những hậu quả về môi trường, biến đổi địa tầng, địa chất do thủy điện gây ra là chưa thể lường trước được. Bởi vậy, đã đến lúc cần rà soát lại tất cả các khâu khi xây dựng thủy điện và cần đặt lên bàn cân tính toán thật kỹ về lợi và hại để có thể quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy thủy điện. Đó là việc không thể chần chừ.
CHUNG ANH