.

Nỗi lo nguồn nước sinh hoạt

Gần nửa tháng qua, nguồn nước sinh hoạt tại thành phố chảy yếu, nhất là vào giữa trưa. Nhiều gia đình phải mở vòi hứng nước từ sáng sớm mới đủ dùng cho các nhu cầu thiết yếu trong ngày. Nước chảy yếu, lại lờ lợ, màu nước khác thường và bốc mùi clo, khiến người dân hoang mang. Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, do nắng nóng thất thường và tăng cao đột ngột trong những ngày qua, khiến nước trên sông Cẩm Lệ, sông Yên bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Độ mặn đo được tại khu vực cấp nước ở nhà máy nước cao gần 15 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Ngoài ra, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về cũng quá thấp, lại đỏ ngầu khiến các họng thu nước tại Nhà máy Nước Cầu Đỏ phải ngưng hoạt động. Để khắc phục, Dawaco đã đưa 3 máy đào túc trực ngày đêm tại khu vực cửa thu nước nhằm làm mọi cách đưa lượng nước nhiều nhất vào bể chứa.

Nguồn nước cạn kiệt, vấy bẩn, nhiễm mặn được nhận định bởi thủy điện. Thời gian trước chưa có thủy điện thì việc nhiễm mặn tại nguồn nước Cầu Đỏ bắt đầu xảy ra ở độ tháng 6 - 8, tuy có nhiễm mặn nhưng nguồn nước dồi dào; nay diễn ra ngay từ tháng 4 và lại khô kiệt. Theo UBND thành phố Đà Nẵng, thượng nguồn sông Vu Gia với 3 nhánh chính là sông Boung, sông Côn và sông Cái đã có 7 nhà máy thủy điện bậc thang, gồm: sông Boung 2, sông Boung 4, sông Boung 5, A Vương, Đắk Mi 1, Đắk Mi 4 và sông Côn 2. Sông Cái hay còn gọi là Đắk Mi cung cấp 50% lượng nước về hạ lưu, là nhánh sông cực kỳ quan trọng, có yếu tố sống còn của cư dân hạ lưu dòng Vu Gia.

Trong khi đó, lý giải tình trạng nước nhiễm mặn mới đầu tháng 5 đã xâm nhập sâu vào các con sông ở Đà Nẵng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước cung cấp cho dân thành phố, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng khẳng định nguyên nhân do các thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia. Đặc biệt, theo ông Thắng, thủy điện Đắk Mi 4 (thuộc địa bàn huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) không chịu xả nước về dòng Vu Gia theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là nguyên nhân sâu xa khiến thiếu hụt nước ở hạ nguồn, dẫn đến tình trạng nước mặn sớm xâm nhập. Cụ thể, mỗi ngày, thủy điện Đắk Mi 4 phải xả 25m3/giây, nhưng đơn vị quản lý thủy điện này hiện không hề xả một giọt nào. Ông Huỳnh Vạn Thắng cũng cho hay, sắp tới, khi người dân Đà Nẵng, Quảng Nam bước vào đổ ải vụ hè thu, lượng nước sử dụng cho nông nghiệp sẽ tăng rất lớn. Nếu các nhà máy thủy điện, trong đó có Đắk Mi 4, không thực hiện xả nước theo quy định thì nguy cơ vùng hạ lưu sông Vu Gia sẽ bị nhiễm mặn rất nặng. Do vậy, nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho dân Đà Nẵng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Việc xây dựng thủy điện đem lại lợi ích cục bộ cho nhà đầu tư nhưng gây mất an toàn nguồn nước cho hạ du là điều đáng lo ngại. Ngày 7-5 vừa qua, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển thủy điện bền vững - các bài học và khuyến nghị” đã thẳng thắn chỉ ra những tác hại của hệ thống thủy điện tại Quảng Nam. Điều đáng nói, dù được mời nhưng không một chủ đầu tư của các công trình thủy điện lớn nào ở Quảng Nam (như Sông Tranh, A Vương...) đến tham dự hội thảo khiến các đại biểu bức xúc. Bởi lẽ, thủy điện cũng ảnh hưởng đến hệ thống sông ngòi như làm thay đổi chế độ thủy văn, dòng chảy các lưu vực sông, mất nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Trước đây đã xảy ra tranh cãi quyết liệt giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Ban Quản lý Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 khi thủy điện này không trả nước về lại cho dòng sông nên làm cho thành phố Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu vào mùa khô.

TS Đào Trọng Tứ, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam khẳng định: “Các công trình thủy điện đang tác động tiêu cực lớn đến môi trường, sinh thái của các lưu vực sông, đến sinh kế của người dân, an toàn cộng đồng, an ninh nước và an ninh lương thực”. TS Đào Trọng Tứ kiến nghị, kế hoạch phát triển thủy điện cần đưa ra quyết định xem xét lại một cách thận trọng, hạn chế phát triển tràn lan - giảm thiểu tác động tiêu cực cho môi trường, sinh thái các dòng sông, văn hóa cộng đồng ven sông, sinh kế của người dân thế hệ hôm nay và mai sau.

Dawaco đang nỗ lực vét nước bơm chuyển nguồn nước từ đập ngăn nước An Trạch để bổ sung nguồn nước cấp nhưng tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt sẽ vẫn còn tiếp tục. Vấn đề đặt ra là nhanh chóng yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 trả đủ lượng nước về sông Vu Gia, sông Yên, đồng thời xúc tiến nhanh việc triển khai dự án khai thác nguồn nước từ sông Cu Đê.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.