Bức tranh kinh tế đang có nhiều màu tối - sáng. Nhiều dấu hiệu cho thấy các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống. Đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 giảm 0,26% - lần đầu tiên chỉ số CPI giảm sau 38 tháng liên tục tăng. Chính sách tín dụng cũng đã thay đổi theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp (DN). Trong thời gian rất ngắn, Ngân hàng Nhà nước 4 lần thay đổi lãi suất, và đến nay mức sàn huy động chỉ ở mức 9%/năm. Lãi suất đầu ra cũng được giảm mạnh, xuống mức 14 - 15%/năm thay vì mức lãi vay trên 20% trước đây. Gánh nặng lãi suất trong chi phí DN đã được giảm nhẹ. Chủ trương tiết kiệm chi tiêu cũng được sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó chi tiêu công được thắt chặt. Những mảng sáng đó khiến chúng ta vui vì lạm phát kéo dài đã được kiềm chế, kinh tế đất nước sẽ vượt qua khó khăn, bước vào thời kỳ phát triển cao hơn.
Tuy vậy, nhiều vấn đề về kinh tế, thị trường hiện nay vẫn chưa thể làm người dân yên tâm. Mặc dù chỉ số giá cả hàng hóa giảm, nhưng thực tế giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường như các nhóm hàng lương thực - thực phẩm, nhóm hàng dịch vụ vẫn ở mức cao. Do sản xuất kinh doanh đình đốn nên thu nhập của công nhân, người lao động tại các DN rất thấp. Ở Đà Nẵng, thu nhập bình quân cũng chỉ ở mức 2 triệu đến 2,3 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, dù mức giá hàng hóa dịch vụ như hiện nay, đời sống của đại bộ phận công nhân, người lao động vẫn trong tình cảnh khó khăn.
Sức mua giảm sút là yếu tố quan trọng tác động xấu đến thị trường. Sức mua giảm, hàng hóa chậm tiêu thụ, vòng quay vốn của doanh nghiệp giãn ra, sản xuất xã hội sút giảm, gây đình trệ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh thị trường hàng tiêu dùng, các thị trường bất động sản, các nhóm hàng vật liệu xây dựng…, dù giá hạ chạm đáy, nhưng vẫn không hấp dẫn người mua.
Trong quá trình thực hiện kiềm chế lạm phát, thiếu chính sách kích cầu hợp lý nên sức mua suy kiệt trong điều kiện hàng tồn kho tại các doanh nghiệp lớn, không tiêu thụ được. Sự mất cân đối cung cầu trong thị trường còn phức tạp thêm bởi hàng nhập lậu ồ ạt, hàng giả, hàng nhái tràn lan. Cụ thể, ở thành phố Hồ Chí Minh, trong một tuần, từ ngày 20-6 đến 27-6 đã tạm giữ hơn 948.233 đơn vị sản phẩm và hơn 148 tấn hàng không có chứng từ, hóa đơn. Cân đối quan hệ cung - cầu, nâng cao sức mua xã hội, thanh toán hàng tồn kho giúp các doanh nghiệp thu hồi vốn là bài toán hóc búa hiện nay.
Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10-5 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và Thông tư số 14/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gặp phải nhiều trở ngại khi đưa vào thực tế. Các đối tượng được ưu tiên vay vốn rộng rãi như các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn; các DN nhỏ và vừa; kinh doanh xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ. Tuy vậy, yêu cầu các DN phải bảo đảm lành mạnh về tài chính thì khó có DN đáp ứng. Các ngân hàng thương mại, để bảo đảm an toàn vốn vay, rất lúng túng triển khai cho vay khi hầu hết các DN có nhu cầu vay không đáp ứng sự minh bạch về tài chính theo quy định. Nhiều DN bối rối trước khoản vốn vay lãi suất cao trước đây đang chôn chân trong lượng hàng tồn kho chưa dễ tiêu thụ để hưởng ưu đãi về vốn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Thực trạng đó cho thấy, trong nỗ lực của DN tháo gỡ khó khăn, thì khó khăn về nguồn vốn vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Tính đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giảm 1,78% so với cuối năm 2011 mặc dù ngân hàng thừa vốn, tính thanh khoản cao. Thực tế đó một mặt do vốn tín dụng chưa được khai thông vì DN đang gặp khó trong việc giải phóng nguồn vốn vay đầu tư từ trước khủng hoảng, sản phẩm tồn kho lớn, chậm tiêu thụ; không ít DN sử dụng vốn vay đầu tư ngoài luồng như bất động sản, tài chính, du lịch, hàng trăm DN phải ngưng hoạt động. Tỷ lệ nợ xấu mặc dù ở mức 2,5%, nhưng trong chiều hướng tăng.
Điều đó có thể giải thích trong khi các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay nhưng các DN đón nhận một cách còn lúng túng, lạnh nhạt.
Tình trạng phổ biến của chúng ta là DN hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Những hình ảnh đối nghịch ngân hàng “lãi khủng” trong khi DN vật lộn để sinh tồn; ngân hàng thừa tiền trong khi DN suy vốn thật sự đáng suy nghĩ trong khi hoạch định chiến lược phát triển.
QUÝ LÂM