.

Bảo vệ tuổi thơ

Tháng hành động vì trẻ em năm 2012 do Bộ LĐ-TB&XH phát động mang chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ tuổi thơ hồn nhiên, giúp các em sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, hướng đến việc phát triển cả về thể chất, lẫn trí tuệ và tinh thần.

Hàng loạt vụ việc liên quan đến nạn bạo hành, cưỡng dâm trẻ em… được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến người đọc thấy xót xa, bất bình. Riêng trong tháng 5 vừa qua là vụ ông nội khống chế cháu 3 tuổi do mâu thuẫn gia đình xảy ra ở phường Ghềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định); vụ bé gái 10 tuổi bị cha bạo hành với những vết bầm tím trên mặt, hằn vết roi rướm máu trên người; rồi Nguyễn Văn Sơn (20 tuổi, ở Thanh Chương, Nghệ An) bị bắt khẩn cấp để điều tra hành vi giao cấu với trẻ em 15 tuổi; kẻ “yêu râu xanh” 46 tuổi (ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có HIV nhận án 17 năm tù vì hiếp dâm bé gái 3 tuổi; một cậu bé 14 tuổi (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận án 4 năm tù vì tội hiếp dâm chính em họ mới 3 tuổi của mình. Điều đau lòng là cậu bé 14 tuổi này chưa nhận thức được hành vi phạm tội, mà chỉ vì bắt chước làm “chuyện người lớn” từ Internet.

Các hoạt động truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2012 tập trung vào việc tạo môi trường pháp luật đầy đủ, thân thiện với trẻ em; tạo môi trường xã hội phù hợp với trẻ em; đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em... Nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao để bảo vệ hết hơn 25 triệu trẻ em Việt Nam (chiếm 29% dân số); làm sao tạo ra những rào chắn an toàn khi xung quanh các em có quá nhiều “bẫy”, mà những “chiếc bẫy” này phần lớn do lương tâm và đạo đức của con người, một phần nữa do sự thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình, để các em bị ảnh hưởng phim ảnh, Internet… Đó là chưa kể hơn 1,4 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 140.000 trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi, hơn 1,2 triệu trẻ khuyết tật cần được bảo vệ.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề cập đến 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em bị xâm hại tình dục: sự xuống cấp về đạo đức của con người và pháp luật của nước ta vẫn chưa thật sự nghiêm minh để có hình thức trừng phạt thích đáng. Trong đó, đáng bàn nhất, đáng lên án nhất vẫn là sự suy thoái đạo đức. Không biết những kẻ “yêu râu xanh” lúc nhận án tù có nghĩ đến nỗi đau quặn thắt của những bậc cha mẹ có con bị xâm hại không, rồi cả nỗi đau của chính gia đình thủ phạm, hơn hết là ám ảnh trong ký ức của những đứa trẻ bị xâm hại và cuộc đời của các em sau này.

Giải pháp mà bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đưa ra bao gồm: chủ động nâng cao nhận thức của mọi người, giúp các em đang ở tuổi vị thành niên nâng cao kỹ năng sống, biết cách tự bảo vệ mình, khi rơi vào trường hợp bị xâm hại thì biết cách thoát khỏi thực tế xấu đó… cũng chỉ là một phần trong những nỗ lực của các cấp, các ngành và của cả xã hội đối với việc bảo vệ trẻ em. Điều cần kíp là các gia đình phải vào cuộc, phải quản lý, gần gũi con cái, không nên tạo ra những “vùng cấm” với các em trong việc giáo dục giới tính mà phải giải thích cặn kẽ, xây dựng nhận thức và hình thành kỹ năng sống… Đồng thời, các trường học cũng phải chung tay.

Với Đà Nẵng, cùng với nhiều địa phương trên cả nước, thành phố bên sông Hàn đã phát động Tháng hành động vì trẻ em. Và trong những ngày qua, hàng loạt hoạt động của các cấp lãnh đạo, các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã diễn ra nhằm mang đến nụ cười trẻ thơ. Ngọn lửa tình người đã và đang được thắp lên, để các em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, tật nguyền… cảm thấy ấm áp hơn.

Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6), cả nước hướng về trẻ em với mong muốn thế hệ tương lai được chăm sóc đủ đầy trong tình yêu thương của cha mẹ và cộng đồng. Tôi bất chợt nhớ đến giọng hát trong trẻo, cao vút của én nhỏ Võ Hoàng Ngân, bệnh nhi ung thư 9 tuổi đã qua đời: “Em ước mong sao bầu trời chẳng đen bóng mây, em ước mong sao trẻ em đừng vương bão giông…”.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.