Vậy là không lâu nữa, những can nhựa, chai thủy tinh, cột bơm xăng dầu lẻ trên vỉa hè của người buôn bán không có giấy phép sẽ bị xóa sổ khỏi thị trường xăng dầu không chính thức. Lẽ ra, quyết định này được thực hiện từ khi Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành từ 3 năm trước. Thế nhưng, nhiều nguyên nhân khiến việc “cấm cửa” đến nay mới thật sự đi vào hiện thực. Lý do thì nhiều nhưng có thể thấy cơ quan chức năng chưa “mạnh tay” với xăng dầu bẩn vì còn nghĩ đến miếng cơm manh áo của người buôn bán vỉa hè.
Khi báo chí đưa tin vụ việc bà Thái Thị Hà tàng trữ hàng trăm lít xăng dầu bẩn trong căn nhà tôn thấp lè tè, có nguy cơ cháy nổ bất kỳ lúc nào, dư luận mới giật mình khi biết rằng, hành vi này đã qua mặt cơ quan chức năng từ nhiều năm nay. Dù muộn nhưng còn hơn không, bởi vấn đề chất lượng xăng dầu đã trở thành nỗi bức xúc của đại bộ phận người tiêu dùng, nhất là gần đây xảy ra các vụ cháy xe nhưng chưa xác định nguyên nhân, và xăng dầu vẫn bị cho là “thủ phạm”.
Nhẩm tính sơ bộ trên địa bàn Đà Nẵng có hàng trăm điểm bán xăng lẻ (cơ quan chức năng vẫn chưa thống kê hết) mặc nhiên tồn tại, làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động xăng dầu vốn có sự quản lý chặt chẽ từ phía Nhà nước. Cũng từ đây, hệ lụy của việc mua bán xăng dầu lậu gây khó cho ngành chức năng trong công tác kiểm tra thị trường. Trong khi kinh phí Nhà nước chi cho công tác kiểm soát thị trường còn khiêm tốn, thì lực lượng chức năng phải đau đầu tìm cách đối phó với các thủ đoạn gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Việc gian lận xăng dầu cũng dễ hiểu bởi buôn bán xăng dầu lậu đem lại lợi nhuận khá cao cho những người kinh doanh bất chính. Vì thế, dùng đến biện pháp xử phạt hành chính thì người vi phạm chấp nhận đóng tiền phạt để tiếp tục làm ăn, chứ không chịu dừng lại. Pháp luật của Việt Nam để lộ kẽ hở giúp các đối tượng phạm pháp lách luật. Năm nào trên địa bàn thành phố cũng có những vụ gian lận trong đo lường, nhưng quả thật đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện hành vi buôn bán xăng kém chất lượng của một hộ tư thương. Phát hiện này cũng là hồi chuông cảnh báo người tiêu dùng phải kiên quyết nói “không” với xăng lẻ.
Cấm cửa kinh doanh xăng dầu vi phạm Nghị định 84 thể hiện sự quyết tâm của chính quyền thành phố. Bởi lẽ, để tồn tại các điểm này không chỉ là vi phạm của người kinh doanh mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý khi không thực thi pháp luật. Tư duy “cái khó ló cái khôn” sẽ giúp người dân vượt khó khăn của đời sống, chứ không thể viện dẫn vì mưu sinh mà vi phạm pháp luật. Nếu không ngăn chặn kịp thời, không biết sẽ có bao nhiêu khách hàng trở thành nạn nhân của xăng bẩn. Mong sao càng sớm càng tốt, chính quyền địa phương và các ban, ngành xử lý quyết liệt hành vi kinh doanh trái phép nói trên, để xăng, dầu lậu không còn là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng hiện nay.
DUYÊN ANH