.

Cân bằng lợi ích ngân hàng - doanh nghiệp

Hôm nay (13-6) là ngày thứ 3 một số lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam được cắt giảm có hiệu lực thi hành. Theo đó, lãi suất huy động VND đối với kỳ hạn ngắn từ trên 1 tháng đến dưới 12 tháng còn 9%, thay vì 11%/năm như trước. Trần lãi suất cho vay với một số lĩnh vực ưu tiên cũng giảm về mốc 13%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất trên thị trường mở (OMO) cũng dự kiến ​giảm từ 11% xuống còn 10%...

Đây là đợt cắt giảm lãi suất lần thứ tư của NHNN kể từ tháng 3 vừa qua và chỉ sau 2 tuần so với đợt cắt giảm gần đây nhất. Loạt điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến các dòng vốn, đến các quan hệ tín dụng, đến tỷ giá USD/VND và cả yếu tố niềm tin của thị trường… Vì vậy, nhiều người cho rằng đã đến lúc cân bằng lợi ích giữa 2 bên: Ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN).

Chúng ta vẫn thường nghe các DN nói đùa rằng: “Làm không khéo sẽ nuôi béo NH”. Thực tế vấn đề này đã và đang xảy ra bởi lâu nay NH thường thông báo lãi ngàn tỷ đồng trở lên. Thậm chí, trong bối cảnh hàng chục ngàn DN đang phải oằn lưng chống chọi với suy thoái kinh tế, trong đó không ít DN đã phải phá sản, giải thể…, nhưng NH vẫn lãi, vẫn sống khỏe.

Tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 5-2012, số DN giải thể, dừng hoạt động đã lên tới con số 22.214, trong đó có 3.495 DN giải thể, 18.719 DN dừng hoạt động. Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn DN đang ở trong tình trạng “sống dở, chết dở”. Đặt những con số này bên cạnh những thông báo lãi từ các NH có thể thấy sự đối nghịch giữa 2 đối tượng trên mặc dù mối quan hệ của họ là tương tác, hỗ trợ nhau.

Trước thực trạng khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, mức giảm đáng kể của trần lãi suất huy động 2% là một phần nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ cho các DN. Tuy nhiên, sau động thái này, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao khoảng 15-17%, khiến các DN khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Cùng với lãi suất cho vay cao, nhiều công ty vẫn còn thiếu tài sản thế chấp cần thiết để vay vốn an toàn - hậu quả của tình trạng vay vốn lãi suất quá cao từ các năm trước. Vì vậy, NH phải nhanh chóng hạ lãi suất cho vay hơn nữa, và có thể giảm một phần lợi nhuận của mình cho sự bền vững của nền kinh tế.

Vì vậy, các NH không nên chạy theo lợi nhuận mà làm trái quy định, thay vào đó cần có trách nhiệm hơn với chính mình và với cả xã hội. NH phải lo hiệu quả kinh doanh của mình và cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ nền kinh tế. Khi kinh tế phát triển thì NH cũng hưởng lợi. Khi DN đổ vỡ hàng loạt thì không chỉ DN đó thiệt hại mà NH còn là nơi hứng chịu đầu tiên. Cho nên, sự dung hòa lợi ích 2 bên sẽ có lợi hơn là một bên lãi cao, một bên sắp sửa phá sản…

Hiện còn nhiều DN phải vay với lãi suất cao, thậm chí khá cao. Vì thế, NH phải giảm lãi suất cho vay, để hài hòa lợi ích giữa khách hàng và NH. Nếu làm được điều này, sẽ góp phần tăng tổng cầu nền kinh tế, người dân đầu tư sẽ sử dụng đồng tiền của mình vào sản xuất. Lãi suất huy động giảm mạnh, kéo theo giảm mặt bằng lãi suất cho vay được kỳ vọng là một trong những giải pháp khơi thông dòng vốn, tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất giảm mạnh là tin mừng đối với cộng đồng DN. Nhưng điều này có thực thi được hay không thì phải cần sự hợp tác đầy trách nhiệm từ phía các NH.

PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.