.

Doanh nghiệp phải chủ động cứu mình

Tại buổi tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp (DN) dân doanh Đà Nẵng sáng 11-6, các chuyên gia kinh tế của Trường Doanh nhân Quốc tế Sài Gòn cho biết, luồng tiền của Chính phủ dành cho mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế từ năm 2009 đến nay khoảng hơn 250.000 tỷ đồng đã chảy vào khối DN Nhà nước đến 80%, thể hiện sự phân bổ nguồn lực mất cân xứng và vẫn theo tư duy DN Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, gói giải pháp hỗ trợ DN về chính sách thuế trị giá 29.000 tỷ đồng của Chính phủ mới đây cũng chỉ giúp DN giãn, giảm thuế mà không giải quyết được tình trạng hàng tồn kho. Lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại đã hạ nhưng chỉ dành cho DN mạnh, trong khi DN yếu thật sự là đối tượng cần các liều “thuốc chữa bệnh” thì vẫn không tiếp cận được nguồn vốn vay. Có những DN tài chính lành mạnh hiện nay vẫn phải duy trì lãi suất 24% theo khế ước vay cũ.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn, đồng thời chưa có dự báo chính thức cho vài năm đến, thị trường trong nước bắt đầu có sự thay đổi về tư duy tái cơ cấu DN dân doanh, mà chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Đa số các DN vừa và nhỏ của thành phố Đà Nẵng thừa nhận trong một thời gian dài, DN đã dùng vốn ngắn hạn (vốn vay của ngân hàng) để đầu tư dài hạn vào máy móc, thiết bị..., thiếu nguồn vốn huy động từ các kênh khác. Khi thị trường tài chính, tiền tệ khủng hoảng thì DN không chỉ tổn thương mà còn rơi vào tình trạng bế tắc.

Vấn đề tự vận động để tái cấu trúc DN vừa và nhỏ đang trở nên cấp bách, đòi hỏi từng DN phải chủ động tìm lối ra, thay vì thụ động hoàn toàn chờ vào chính sách vĩ mô của Chính phủ và hỗ trợ của chính quyền địa phương. Các nhà tư vấn giải cứu DN vừa thông tin đến các DN nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng 2 giải pháp cấp bách mang tính liên kết được xem là có khả năng thực thi và giải quyết được khó khăn trước mắt cũng như mục tiêu trung, dài hạn. Thứ nhất, sau khi DN đã nỗ lực tái cấu trúc bằng các giải pháp cắt giảm chi phí, đầu tư tập trung, đào tạo nhân lực… nhưng vẫn không hiệu quả thì cần phân ngành để kêu gọi vốn góp từ các DN mạnh của thành phố Hồ Chí Minh. Thứ hai, đối với DN hoàn toàn đình đốn, có thể chào bán cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài theo hình thức M&A (sáp nhập và mua lại). Riêng năm 2011, thị trường M&A tại Việt Nam đạt 4,6 tỷ USD, chủ yếu nguồn vốn đến từ Nhật Bản, Singapore, đã tạo khởi sắc cho nhiều DN trong nước. Vấn đề ở đây là các DN vừa và nhỏ của Đà Nẵng cần minh bạch tài chính, có chuyên gia tư vấn định giá doanh nghiệp và có đầu mối thiết lập, quảng bá và truyền tải thông tin đến các thị trường vốn tiềm năng.

Tín hiệu ban đầu đã có một số DN vừa và nhỏ của Đà Nẵng đăng ký tham gia tư vấn tái cấu trúc theo hình thức tìm vốn và đối tác liên kết ngoài hệ thông ngân hàng. Đây sẽ là hướng đi mới, tháo gỡ khó khăn của DN không theo hình thức “chữa cháy” hoặc rơi vào vòng luẩn quẩn.

THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.