Như mọi năm, chương trình du lịch “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè” do Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng tổ chức lại gây tranh cãi về thời gian quảng bá, quy mô chương trình và nội dung hoạt động. Theo đó, từ ngày 22-6 đến 1-7, trên không gian biển và vỉa hè đường Bạch Đằng sẽ diễn ra Cuộc thi Tiếp sức du lịch với các môn: thi phục vụ bàn và 3 môn phối hợp bơi - chạy bộ - đua xe đạp, thi tung hứng dành cho người phục vụ quầy bar, thi bơi dành cho người yêu biển và trình diễn các trò chơi thể thao biển như dù kéo, canô, thuyền chuối… Ban tổ chức (BTC) sẽ lồng ghép các chương trình du lịch với tuyên truyền bảo vệ môi trường qua việc trưng bày tranh thiếu nhi, ca nhạc, viết các thông điệp về môi trường. Ngoài ra, chương trình còn kết hợp giữa ca múa nhạc hiện đại, nghệ thuật dân gian truyền thống với Hô hát bài chòi tại Lăng Cá Ông Phước Mỹ và Âm nhạc đường phố ở vỉa hè đường Bạch Đằng…
Với bất kỳ ai theo dõi du lịch Đà Nẵng trong vòng 3 năm trở lại đây sẽ không khó để nhận thấy, kịch bản trong các chương trình du lịch biển hè hằng năm không khác nhau mấy. Mặc dù năm nay, BTC đã nỗ lực làm mới chương trình, nhưng các hoạt động chính vẫn xoay quanh văn nghệ, trình diễn các loại hình thể thao biển, thi Tiếp sức du lịch, thi bơi… dành cho người dân và các nhân viên làm du lịch. Luôn luôn là như vậy, các “điểm hẹn mùa hè” chỉ mang tính chất khuấy động không gian là chính, chứ chưa thể hướng tới mục tiêu cao nhất là khai thác khách và khiến họ bỏ tiền chi tiêu vào các hoạt động trong sự kiện. Bên cạnh đó, việc vắng bóng những hoạt động có thể huy động sự tham gia của du khách, mà chỉ tập trung vào nhân sự địa phương là một nguyên nhân khác đã kéo “chỉ số hấp dẫn” của chương trình xuống.
Vì chương trình được thông tin khá trễ - vỏn vẹn gần nửa tháng trước khi chính thức diễn ra, nên hầu hết các hãng lữ hành đều không thể chủ động giới thiệu cho du khách trong chương trình tour về Đà Nẵng và miền Trung. Ngay đến tận ngày họp báo cách đây một tuần, các băng-rôn quảng cáo cho chương trình cũng chưa được dựng lên. Thậm chí, một người từng có nhiều năm kinh nghiệm về quản lý du lịch của một khu nghỉ dưỡng ven biển cao cấp đã phàn nàn: Là những người tham gia sự kiện, nhưng chúng tôi biết rất hạn chế về thông tin nếu không có mối quan hệ và biết cách liên lạc. Vì vậy, ông cho rằng, việc yêu cầu tất cả các khách sạn, hãng lữ hành treo banner quảng cáo, chào đón sự kiện như một lễ hội là thật sự cần thiết để tạo không khí sôi nổi và gây chú ý cho du khách.
Trong buổi họp báo, một lãnh đạo ngành Du lịch cũng thừa nhận rằng, kinh phí dành cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch ra toàn quốc, toàn vùng và quốc tế không nhiều đã gây khó khăn cho công tác giới thiệu chương trình. Và chỉ khi được tổ chức trên quy mô lớn với vai trò tổ chức là của UBND thành phố, sự kiện mới thật sự được đầu tư xứng đáng như một sự kiện nối dài các sự kiện mang tầm quốc tế là pháo hoa và dù bay.
Đến hẹn lại lên, các lễ hội, liên hoan… du lịch hằng năm của các tỉnh duyên hải miền Trung lại bị cộng đồng và báo chí phản ứng do tính chất vô thưởng vô phạt, nội dung na ná nhau. Đà Nẵng đã được biết đến như một thành phố chuyên tổ chức các sự kiện lạ và độc nhất ở Việt Nam, thì tại sao không thể hướng đến một sự kiện du lịch biển hè hằng năm độc đáo, sáng tạo và được chuẩn bị chu đáo hơn, mang hiệu quả khai thác khách và chi tiêu cao hơn?
PHONG KHÁNH