“Chung tay xây dựng nông thôn mới” là phong trào thi đua được phát động trong cả nước nhằm huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội để triển khai Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”. Trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, một trong những vấn đề cốt yếu là phải tăng cường hiệu quả phát triển kinh tế, lấy đó làm đòn bẩy để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Hòa Vang đến năm 2015 xác định cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng 1,5 lần; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới dưới 5%; tạo nhiều việc làm thu hút lao động ở khu vực nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông - lâm - ngư nghiệp từ 63% xuống 40-45%; phát triển nông-lâm nghiệp-thủy sản theo chiều sâu, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có chất lượng, hiệu quả, nông nghiệp phục vụ đô thị… Để hiện thực hóa mục tiêu này nhất thiết phải có những chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực vốn tín dụng hợp lý, tạo ra động lực đột phá trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thành phố Đà Nẵng cùng UBND huyện Hòa Vang đã phối hợp tổ chức hội nghị triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Giải pháp đề ra trước hết là phải gia tăng hơn nữa quy mô đầu tư cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 41/CP và các chính sách khác liên quan về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, nâng khối lượng vốn tín dụng từ doanh số 200 tỷ đồng/năm hiện nay lên ít nhất khoảng 400-500 tỷ đồng/năm trong những năm đến. Định hướng đầu tư vốn tín dụng của ngân hàng thương mại phải gắn với xây dựng những mô hình sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả kinh tế và lợi thế cạnh tranh cao, qua đó tạo điều kiện cải thiện thu nhập cho người dân ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp nhịp nhàng các kênh vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, của các hội, đoàn thể (như Hội Nông dân, Hội LHPN…), thông qua các dự án liên vùng hoặc liên xã, cùng đồng tài trợ cho những dự án sản xuất, kinh doanh kết hợp với chương trình xóa đói giảm nghèo.
Để tăng cường hiệu quả phối hợp chính sách một cách đồng bộ, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cần chủ trì xây dựng các phương án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể, giao nhiệm vụ cho các ban, ngành liên quan, huy động sự vào cuộc một cách có trách nhiệm hơn của hệ thống ngân hàng, tạo ra xung lực mới về nguồn lực vốn cho đầu tư phát triển. Bản thân hệ thống ngân hàng cũng cần chủ động mở rộng mạng lưới, nâng cao năng lực phục vụ, tăng cường nhân lực để mở rộng cho vay và quản lý vốn tín dụng có hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới trên thực tế không chỉ là chính sách an dân lâu dài, mà qua đó còn tạo cơ hội đánh thức những tiềm năng kinh tế rất lớn chưa được khai thác hết, tạo lập nền tảng bền vững cho chiến lược phát triển đô thị của Đà Nẵng trong giai đoạn sắp đến.
TÂM DÂN